Vấn đề giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ cho người lao động tại doanh nghiệp

04/09/2009 03:28 PM


Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động (SDLĐ) có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Hằng quý, người SDLĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức...

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ người lao động, người sử dụng lao động (SDLĐ) có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Hằng quý, người SDLĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản cho tổ chức bảo hiểm xã hội. Tổ chức BHXH có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Việc quy định như trên đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nghỉ việc hưởng BHXH một cách đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời khi không may họ bị ốm đau hay lúc thai sản và được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản nếu sức khoẻ của họ còn yếu. Vấn đề càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế mà hậu quả của nó đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó người lao động tại các doanh nghiệp hứng chịu hậu quả nặng nề như mất việc làm, giảm thu nhập, chậm được trả lương… làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và những nhu cấu thiết yếu hàng ngày của người lao động. Những lúc như vậy, BHXH là một “cứu cánh” cho họ, bởi vì khi người lao động gặp rủi ro (ốm đau) hay lúc thai sản phải nghỉ việc, chủ SDLĐ sẽ không phải trả lương cho họ trong những ngày nghỉ việc đó, tuy nhiên họ lại được hưởng BHXH, thậm chí trong trường hợp nghỉ sinh, ngoài việc người lao động được hưởng 100% mức lương làm căn cứ đóng BHXH trong thời gian nghỉ sinh, người SDLĐ và người lao động không phải đóng BHXH, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (nghỉ sinh) vẫn được tính là thời gian đóng BHXH. Chính sách đó thể hiện bản chất nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người lao động tham gia BHXH.

Thực tế từ khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2007), việc thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ trong các doanh nghiệp đã đảm bảo được quyền lợi của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã nổi lên một số vấn đề bất cập, vướng mắc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Trước hết là vấn đề giữ lại 2% (trong số 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản) để chi trả kịp thời cho người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Đối với đơn vị SDLĐ có nhiều lao động (khoảng 50 người trở lên), việc giữ lại 2% có thể đủ cho ít nhất một người nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản (nếu tính theo mức lương bình quân của cả đơn vị thì 2% của 50 người mới đủ 100% mức lương đóng BHXH của 01 người/tháng), có thể gọi là kịp thời. Nhưng nếu có phát sinh từ hai người nghỉ sinh và có cả người nghỉ ốm đau trong tháng, hoặc đơn vị có số lao động ít hơn 50 người, thậm chí chỉ có 10 đến 20 người thì việc việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động sẽ gặp không ít khó khăn và chắc chắn sẽ không thể “kịp thời” được, vì phải chờ đến tháng đầu quý sau kế tiếp, khi đơn vị SDLĐ chuyển hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản đến cơ quan BHXH để quyết toán. Hồ sơ chuyển đến phải đúng thời gian, đủ số lượng và hợp lệ mới được cơ quan BHXH quyết toán và cấp bổ sung kinh phí chi ốm đau, thai sản còn thiếu của quý trước liền kề. Trường hợp hồ sơ có sai sót, chưa quyết toán được thì chưa thể cấp bổ sung kinh phí chi ốm đau, thai sản cho đơn vị SDLĐ, như vậy người lao động có thể bị chậm từ một đến hai tháng và có thể phải đến đầu quý sau nữa mới được nhận đủ số tiền ốm đau, thai sản của mình.
 

Trường hợp đơn vị SDLĐ chậm nộp hồ sơ đề nghị quyết toán với cơ quan BHXH thì không chỉ người lao động mà khó khăn còn cho chính bản thân đơn vị SDLĐ. Thực tế có đơn vị nộp hồ sơ chậm bốn tháng, năm tháng, thậm chí nộp chậm một năm, hai năm như Công ty cao su Chư Prông, Công ty cao su Chư Sê, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai… Các đơn vị này có hồ sơ ốm đau, thai sản phát sinh năm 2007, năm 2008 đến tháng 8 năm 2009 mới chuyển đến cơ quan BHXH đề nghị quyết toán.

Một vấn đề khác cũng không kém phần khó khăn nhưng là khó khăn đối với cơ quan BHXH. Xuất phát từ quy định: “Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những người lao động đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định”. Cho nên khi đến những ngày đầu của tháng đầu quý, số lượng hồ sơ đề nghị quyết toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ các đơn vị SDLĐ chuyển đến cơ quan BHXH là rất lớn. Có hàng ngàn hồ sơ nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ đề nghị quyết toán vào đầu quý đã gây áp lực cho cơ quan BHXH, trong khi quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn 15 ngày (bao gồm cả ngày tiếp nhận và ngày trả kết quả ở bộ phận “một cửa”) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nói là kiểm tra số liệu đề nghị quyết toán, xong, thực tế, không phải là tất cả nhưng cơ quan BHXH gần như tính lại từng trường hợp một, vì có nhiều đơn vị SDLĐ tính không đúng chế độ, có khi cao hơn, có khi thấp hơn số tiền người lao động được hưởng theo quy định, sai hệ số lương, sai mức lương... Trong khi cơ quan BHXH cấp tỉnh chỉ có một bộ phận 2 hoặc 3 người chịu trách nhiệm quyết toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ (ở cấp huyện, đa số chỉ có thể phân công 01 người), để quyết toán xong nhiều ngàn hồ sơ trong thời gian 15 ngày là hết sức khó khăn và việc chậm trễ là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù việc chậm trễ này cơ quan BHXH phải làm văn bản trả lời đơn vị SDLĐ, nhưng vấn đề là người lao động chậm được chi trả quyền lợi BHXH, trong khi đối tượng và mục tiêu cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội là người lao động!

Để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trước hết cần nâng cao trách nhiệm của đơn vị SDLĐ trong việc giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động. Đối với đơn vị có nhiều lao động phát sinh hưởng các chế độ BHXH thì có thể chuyển hồ sơ đề nghị quyết toán về cơ quan BHXH theo từng tháng để cơ quan BHXH kiểm tra trước, khi đến đầu quý thì tổng hợp số đã kiểm tra, cân đối số tiền đơn vị được giữ lại, nếu thiếu thì lập thủ tục cấp bổ sung kinh phí cho đơn vị.

Cơ quan BHXH cần phải tổ chức hướng dẫn đơn vị SDLĐ cách tính toán các chế độ BHXH, đồng thời giữ mối liên hệ thường xuyên để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề thực hiện chế độ BHXH và tình hình phát sinh đối tượng hưởng BHXH ở đơn vị để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để mọi người lao động hiểu được các chính sách, chế độ BHXH mà họ có quyền được hưởng, một mặt có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình, mặt khác có thể đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan bảo vệ quyền lợi BHXH cho họ.

Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên giữa đơn vị SDLĐ và cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ BHXH chính là đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Tiến Mạnh - CĐBHXH