Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT)

28/07/2009 02:01 PM


Ngày 27/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009 thay thế cho Nghị định số 63/2005/NĐ-CP và điều 18 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.

Ngày 27/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009 thay thế cho Nghị định số 63/2005/NĐ-CP và điều 18 Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ.

Theo đó các đối tượng là công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Pháp thực hiện BHYT từ ngày 01/7/2009. Người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức thực hiện BHYT từ ngày 01/01/2010. Các đối tượng này khi chưa thực hiện BHYT theo quy định thì có quyền tham gia BHYT tự nguyện đến hết ngày 31/12/2009.

Nghị định cũng quy định rõ mức đóng BHYT đối với các đối tượng theo lộ trình cụ thể:

- Kể từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/12/2009, mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng tham gia BHYT là 3% mức tiền lương, tiền công hàng tháng, tiền lương hưu, tiền trợ cấp BHXH hoặc lương tối thiểu tuỳ từng đối tượng.

- Kể từ ngày 01/01/2010, mức đóng BHYT của các đối tượng trên là 4,5% của mức tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Đối với học sinh, sinh viên đóng bằng 3% mức lương tối thiểu chung.

- Kể từ ngày 01/01/2012, mức đóng BHYT của người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp bằng 4,5% mức lương tối thiểu.

- Từ ngày 01/01/2014, mức đóng BHYT của thân nhân người lao động có hưởng lương là 3% mức lương tối thiểu; và bằng 4,5% mức lương tối thiểu đối với xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

- Từ ngày 01/01/2010, mức đóng góp hằng tháng đối với đối tượng tự nguyện tham gia BHYT bằng 4,5% mức lương tối thiểu và do đối tượng đóng.

Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng như sau:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ ngày 01/7/2009. Hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng đối với học sinh, sinh viên mà không thuộc hộ cận nghèo, chính sách này được thực hiện từ ngày 1/1/2010.

- Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng BHYT từ ngày 01/01/2012.

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có từ 2 thân nhân trở lên tham gia BHYT thì người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ 2,3,4 đóng lần lượt bằng 90%, 80%, 70% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất.

Nghị định cũng quy định rõ, từ ngày 01/7/2009 đến 31/12/2009, học sinh, sinh viên đóng 60.000đồng/người (khu vực thành thị) và 50.000 đồng/người (khu vực nông thôn, miền núi). Mức đóng 6 tháng đối với 5 đối tượng: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; thân nhân của người lao động hưởng lương mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng và sống trong cùng hộ gia đình; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể là 160.000 đồng/tháng (khu vực thành thị) và 120.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn, miền núi).

VuongVQ