Đề xuất sửa đổi quy định người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

24/09/2024 07:59 AM


Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định về kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược.

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 44/2018/TT-BYT, người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu bao gồm các đối tượng sau:

1- Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là người hành nghề) được kê đơn thuốc thang, kê đơn kết hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang: Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sỹ y học cổ truyền; lương y.

2- Người được kê đơn thuốc dược liệu bao gồm: Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sỹ y học cổ truyền; bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền; y sỹ đa khoa.

3- Người được kê đơn thuốc thành phẩm gồm: Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; cử nhân y học cổ truyền đã được đào tạo tương đương với văn bằng bác sỹ; y sỹ y học cổ truyền; bác sỹ không thuộc chuyên khoa y học cổ truyền; y sỹ đa khoa; lương y.

4- Người có chứng chỉ hành nghề bài thuốc gia truyền chỉ được kê đơn bài thuốc gia truyền đã được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quy định người được kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu gồm:

1- Người có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc giấy phép hành nghề có phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (người hành nghề) được kê đơn thuốc thang, kê đơn kết hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang:

- Bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sỹ có chứng chỉ đào tạo định hướng về chuyên khoa y học cổ truyền có thời gian tối thiểu 6 tháng; bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có chứng chỉ chuyên khoa cơ bản y học cổ truyền; (1)

- Cử nhân y học cổ truyền do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trình độ đại học và đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo bổ sung bác sỹ y học cổ truyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; (2)

- Cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền. (3)

- Lương y.

Dự thảo nêu rõ, đối với chức danh lương y được Bộ Y tế cấp cho Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam đào tạo cấp chứng chỉ thì chỉ được kê đơn thuốc Nam trong khám bệnh, chữa bệnh.

2- Người hành nghề được kê đơn thuốc dược liệu bao gồm:

- Người hành nghề quy định tại điểm (1), (2), (3) nêu trên;

- Bác sỹ y khoa, bác sĩ chuyên khoa;

- Y sỹ đa khoa.

3- Người hành nghề được kê đơn thuốc thành phẩm bao gồm:

- Các đối tượng được quy định tại khoản 2 nêu trên;

- Lương y, trừ Lương y Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam được Bộ Y tế cấp chứng chỉ.

4- Người có chứng chỉ hành nghề bài thuốc gia truyền chỉ kê đơn bài thuốc gia truyền được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Các hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu

Theo Thông tư 44/2018/TT-BYT, có 3 hình thức kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu: 1- Kê đơn riêng thuốc thang, thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu; 2- Kê đơn bài thuốc gia truyền; 3- Kê đơn phối hợp thuốc thành phẩm và thuốc thang.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất các hình thức kê đơn như sau: 1- Kê đơn riêng một trong các loại thuốc sau: Thuốc thang; thuốc thành phẩm; thuốc dược liệu.

2- Kê đơn phối hợp bao gồm: Thuốc thang với thuốc thành phẩm; thuốc thang với thuốc dược liệu; thuốc thang với thuốc thành phẩm, thuốc dược liệu; thuốc thành phẩm với thuốc dược liệu.

3- Kê đơn bài thuốc gia truyền.

Theo Tuệ Văn (baochinhphu.vn)