Quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH

17/03/2009 07:45 AM


Theo quy định của Luật BHXH thì tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH theo quy định. Về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của tổ chức BHXH do Chính phủ quy định phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo thực hiện tốt và có hiệu quả chế độ chính sách BHXH đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định của Luật BHXH thì tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH theo quy định. Về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của tổ chức BHXH do Chính phủ quy định phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo thực hiện tốt và có hiệu quả chế độ chính sách BHXH đối với người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH được quy định tại các Điều 19 và Điều 20 của Luật BHXH, nội dung cụ thể như sau:

1. Quyền của tổ chức BHXH:

- Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định;

- Từ chối yêu cầu trả BHXH không đúng quy định;

- Khiếu nại về BHXH;

- Kiểm tra việc đóng BHXH và trả các chế độ BHXH;

- Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH và quản lý quỹ BHXH;

- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Với quy định trên, ngoài quyền theo quy định đối với tổ chức sự nghiệp của Nhà nước trong việc tổ chức quản lý nhân sự, tài chính, tài sản, tổ chức BHXH với chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH theo quy định, còn được quyền từ chối những yêu cầu không đúng về trả BHXH của các tổ chức, cá nhân; có quyền kiểm tra BHXH và trả các chế độ BHXH của người sử dụng lao động (SDLĐ) đối với người lao động (NLĐ) để hướng dẫn, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định và trong trường hợp phát hiện vi phạm về BHXH thì kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Ngoài ra, tổ chức BHXH được quyền kiến nghị trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH và quản lý quỹ BHXH phù hợp với quyền lợi của các bên tham gia BHXH.

2. Trách nhiệm của tổ chức BHXH:

- Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH; hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ, người SDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH;

- Thực hiện việc thu BHXH theo quy định;

- Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ BHXH; thực hiện việc trả lương hưu, trợ cấp BHXH đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn;

- Cấp sổ BHXH đến từng NLĐ;

- Quản lý, sử dụng quỹ BHXH theo quy định;

- Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH;

- Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về BHXH;

- Giới thiệu NLĐ đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa đối với NLĐ vị TNLĐ-BNN khi thương tật, bệnh tật tái phát, người vừa bị TNLĐ vừa bị BNN hoặc người bị TNLĐ nhiều lần, người bị nhiều BNN.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH; lưu trữ hồ sơ của người tham gia BHXH theo quy định;

- Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH;

- Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện BHXH khi NLĐ hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện BHXH;

- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Theo các nội dung nêu trên, trách nhiệm của tổ chức BHXH được quy định rất cụ thể, chi tết từ việc thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục thực hiện BHXH, cấp sổ BHXH, thu BHXH, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, quản lý nghiệp vụ, lưu trữ hồ sơ của người tham gia, cung cấp tài liệu, thông tin… cho đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thực hiện BHXH cũng như các trách nhiệm khác liên quan đến BHXH.

Nhìn chung, Luật BHXH đã quy định đầy đủ, chi tiết về quyền, trách nhiệm của các bên tham gia BHXH, nhất là quyền và trách nhiệm của tổ chức BHXH. Đây sẽ là căn cứ để thực hiện đúng pháp luật về BHXH và là căn cứ để giải quyết khi có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về BHXH, nhằm mục tiêu là đảm bảo tốt quyền tham gia và hưởng BHXH của NLĐ.

Báo BHXH số 51/2006