Người Việt tiếp tục rời Libya, phương Tây đưa tin về nội chiến
01/03/2011 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công dân châu Á, trong đó có hàng trăm người Việt, tiếp tục được sơ tán ồ ạt khỏi Libya, trong khi báo chí đưa tin về tình hình “có vẻ như nội chiến” khi phương Tây bắt đầu giúp lực lượng nổi dậy còn Tổng thống Gadhafi cương quyết không từ bỏ quyền lực.
Hàng trăm người Việt đã đến nước lân cận
Trong bối cảnh quốc tế tiếp tục cho công dân mình ồ ạt sơ tán khỏi Libya, hàng nghìn người châu Á đã đến được các nước lân cận. Hôm qua, chiếc tàu Toscana chở 1.800 người đã cập bến Malta. Phần đông là những người lao động châu Á: Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan.
Hy Lạp cho biết đã đón khoảng 4.600 người chạy nạn, đi bằng tàu đến đến đây, đa số là người Trung Quốc. Số người Việt Nam đi trên chiếc Toscana chưa được thông báo.
Hôm 27/2, theo ngả đường bộ, hàng trăm người Việt Nam và Philippines đã vượt qua biên giới Libya - Algeri, đến thành phố Dedeb. Theo AFP, nhóm này bao gồm 289 người Việt Nam và 144 người Philippines. Họ làm việc ở các công trường xây dựng. Ngoài ra cũng có cả trăm người Libya chạy lánh nạn. Phần đông những người mới đến được đưa đến những trung tâm đón tiếp ở Dedeb và thành phố In Amenas gần đấy. Sau đó họ sẽ được đưa về nước.
Philippines cho biết, đích thân Ngoại trưởng nước này đã hộ tống khoảng 550 công dân Philippines từ thủ đô Libya sang nước láng giềng Tunisia trong một hành trình trên bộ đầy nguy hiểm. Chuyến đi này nằm trong số những chuyến đi nổi bật nhất trong làn sóng sơ tán công dân khỏi Libya do các quốc gia khắp châu Á tiến hành. Cho đến nay, trong số 26.000 người Philippines ở Libya, mới có hơn 1.800 người rời được khỏi Libya nhờ sự giúp của chủ công ty.
Còn Trung Quốc hôm nay cho biết họ đã sơ tán được gần 29.000 công dân, nhưng chỉ có 2.500 là về đến Trung Quốc. Số còn lại đang nằm chờ ở các nước Ai Cập, Tunisia, Malta, Sudan...
Lượng người sơ tán ồ ạt đang gây khó khăn cho các quốc gia đón tiếp. Theo số liệu của Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc, gần một trăm ngàn người đã chạy khỏi Libya đang tập trung ở các nước lân cận, và số lượng này sẽ lên cao nữa trong những ngày sắp tới. Malta đã lên tiếng báo động và yêu cầu trợ giúp của Châu Âu. Tunisia cũng kêu gọi tương tự.
Riêng các quốc gia Châu Âu đã huy động đến máy bay quân sự để sơ tán công dân như Anh, hay tàu chiến như Italia, đã đưa được 258 người về Catana, phần đông là người Châu Âu.
Mỹ “không loại trừ giải pháp nào”, Pháp viện trợ qui mô lớn cho đối lập
Mỹ bắt đầu điều lực lượng Hải quân đến gần Libya và phương Tây cũng trợ giúp các lực lượng nổi dậy phía đông nước này, nhưng Tổng thống Gadhafi vẫn quyết bám trụ ở Tripoli.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Mỹ “không loại trừ chọn lựa nào” để buộc chính quyền Libya chấm dứt xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị nhân quyền ở Geneve hôm qua, bà Hillary nói rằng Tổng thống Moammar Gadhafi đã mất “tính cách chính đáng để lãnh đạo” và phải từ bỏ quyền lực “không chút chậm trễ; Mỹ sẽ làm việc với các nước để có cách đáp ứng thích đáng đối với cuộc khủng hoảng tại Libya”. Bà Hillary đưa ra những tuyên bố “sẵn sàng giúp đỡ phe đối lập Libya” trong bối cảnh nhiều chính khách Mỹ như Thượng nghị sĩ John McCain, Joe Lieberman nhận định là Mỹ cần công nhận chính phủ chuyển tiếp tại Libya và giúp đỡ phe nổi dậy. Bà cho hay Mỹ đã dành riêng 10 triệu USD viện trợ khẩn cấp để ủng hộ các tổ chức tại Libya và đã điều 2 nhóm công tác nhân đạo đến giúp đỡ người Libya rời cư ở biên giới Tunisia và Ai Cập. Tại Nhà trắng hôm qua, Tổng Thống Mỹ Barack Obama họp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về tình hình ở Libya. Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã phong tỏa 30 tỉ USD tài sản tại Mỹ của ông Gadhafi và gia đình.
Thủ tướng Anh D.Cameron hôm thứ hai 28/2 loan báo đang hợp tác với đồng minh để thiết lập vùng cấm bay quân sự trên lãnh thổ Libya và không hề cho là “phương Tây sẽ không sử dụng quân sự nếu cần để đối đầu với chính thể của ông Gadhafi”.
Pháp cho hay họ đang cung cấp viện trợ y tế cho thành phố Benghazi ở miền đông Libya trong một hành động mà họ gọi là một chiến dịch “với qui mô lớn” để hỗ trợ lực lượng đối lập. Pháp cũng nói không ngần ngại “sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần”.
Báo chí phương Tây cho rằng tình hình “có vẻ như nội chiến”. Hiện nay, hai phe ở Libya có vẻ đang củng cố lực lượng. Tổng thống Gadhafi vẫn bám thủ đô Tripoli và vài thành phố gần đó, còn phe nổi dậy đã chiếm toàn miền đông nước này và phía tây gần Tripoli.
Trước đó, tại Libya, những thủ lĩnh của phong trào nổi dậy đã thông báo thành lập một “Hội đồng quốc gia” chuyển tiếp tại những thành phố mà họ kiểm soát được. Cựu bộ trưởng Tư pháp Libya, ông Moustapha Abdeljalil, từ chức hồi đầu tuần, tuyên bố trên đài truyền hình Al-Jazira rằng một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập để lãnh đạo đất nước trước khi có bầu cử.
Đoàn vệ quân thiện chiến nhất bảo vệ Tổng thống Gadhafi có tên “Khamis Brigade” do chính con trai của ông chỉ huy. Trong khi đó, giá gạo tại Libya đã tăng 500% và bánh mì đang bị giới hạn rất nhiều.
Theo Dân Trí
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...