G20 đạt được thoả thuận “tránh thảm kịch kinh tế 2008”

21/02/2011 07:30 AM


Bộ trưởng Tài chính của 20 nước đứng đầu và mới nổi dậy trên thế giới đã đạt được đồng thuận về những cách thức đo lường tình trạng mất thăng bằng kinh tế toàn cầu và không dùng số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là một trong những cách đo lường.

Bộ trưởng Tài chính của 20 nước đứng đầu và mới nổi dậy trên thế giới đã đạt được đồng thuận về những cách thức đo lường tình trạng mất thăng bằng kinh tế toàn cầu và không dùng số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là một trong những cách đo lường.
 >> Bóng đen lạm phát lương thực bao phủ G20

Hội nghị tài chính G20 họp tại Paris trong hai ngày 18 và 19/2.

 

Thoả thuận trên, đạt được sau 2 ngày họp căng thẳng tại Pháp, hy vọng sẽ giúp tránh được khủng hoảng kinh tế toàn cầu giống như đã từng xảy ra vào năm 2008.

Trung Quốc, giờ đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, không muốn sử dụng kho dự trữ ngoại hối 2.500 tỉ USD của nước này để làm một trong những thước đo tình hình kinh tế toàn cầu. Hội nghị đã chấp nhận ý kiến của Bắc Kinh.

Các nhà kinh tế quốc tế vẫn chưa rõ liệu các tiêu chuẩn đo lường này sẽ hiệu quả đến mức nào, và muốn có giải thích thêm trong những lần hội nghị khác của năm nay. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde gọi các cuộc thảo luận trong hai ngày hội nghị là “thẳng thắn, đôi khi có căng thẳng.”

Với tư cách là chủ tịch nhóm G20, mục tiêu của Pháp là cân đối lại nền kinh tế thế giới, nhưng muốn như thế thì phải đo lường được những sự mất cân đối hiện có giữa các nền kinh tế. Nhưng cuộc họp giữa các thành viên G20, bao gồm các nước giàu và các nước đang trỗi dậy, cho thấy vẫn còn rất nhiều bất đồng giữa các thành viên về vấn đề này.

Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Seoul tháng 11 năm ngoái, nhóm G20 đã thống nhất với nhau là từ đây đến giữa năm 2011 sẽ đề ra một danh sách các chỉ báo để đo lường mức độ mất cân đối kinh tế của các nước thành viên. Cũng theo dự kiến, trong sáu tháng cuối năm nay, nhóm G20 sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn và đưa ra các khuyến cáo về chính sách kinh tế cho những nước bị xem là có quá nhiều khác biệt so với “ con đường tăng trưởng tối ưu đối với cộng đồng quốc tế”.

Nhưng trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của nhóm G20 tại Paris hôm qua, các nước giàu và các nước đang trỗi dậy đã tranh cãi với nhau rất gay gắt. Nhóm năm nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gọi tắt là nhóm BRICS, đã tỏ vẻ rất dè dặt về cách đánh giá nền kinh tế các nước thành viên. Riêng về tỷ giá hối đoái, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều đối tác thương mại về đồng Nhân dân tệ, vẫn bị coi là được định giá quá thấp.

Chính vì vậy, không ai dự đoán là cuộc họp lần này của nhóm G20 sẽ đạt được thỏa thuận như mong muốn ban đầu của Pháp, mà nếu có thì sẽ chỉ là thỏa thuận một phần. Kết quả này không thể được xem như là một thất bại, nhưng nó làm nổi rõ một điều. Đó là rất khó đạt đến một sự đồng thuận trong nhóm G20, trong khi cần phải có sự đồng thuận này nếu muốn đề ra các "phương thuốc để chữa trị" những mất cân đối của kinh tế thế giới và ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng mới.

Theo Dân Trí