Cướp biển Somalia - Ngoài tầm kiểm soát
11/02/2011 07:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 9-2, cướp biển đã bắt giữ một tàu chở dầu trên Ấn Độ Dương. Tàu này đang trên đường tới Mỹ, chở theo lượng dầu trị giá 200 triệu USD. Đây là một trong những vụ cướp tàu lớn nhất trong khu vực này.
Những tên cướp biển Somalia trên vịnh Aden.
Mở rộng phạm vi hoạt động
Con tàu bị nạn có tên Irene SL, mang cờ Hy Lạp, dài 333m, với 25 thủy thủ, chở 2 triệu thùng dầu, gần bằng 1/5 lượng dầu nhập khẩu hàng ngày của Mỹ. Vụ việc diễn ra một ngày sau khi tàu chở dầu Savina Caylyn của Italia chở theo số dầu trị giá 60 triệu USD bị bắt, làm gia tăng nỗi lo ngại rằng nạn cướp biển đang ngày càng nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tàu Irene SL bị bắt ở vị trí cách Oman 370km về phía Đông và có khả năng bị cướp biển Somalia tấn công. Đây là siêu tàu chở dầu thứ tư bị cướp biển Somalia bắt giữ kể từ khi nạn cướp biển gia tăng năm 2008.
Bất chấp việc thế giới cử đi rất nhiều tàu chiến hiện đại tối tân để ngăn chặn, cướp biển Somalia vẫn hoạt động rất mạnh trong năm 2010 và vươn vòi bạch tuộc tới nhiều vùng biển chúng chưa từng đặt chân tới. Thoạt đầu, cướp biển chỉ hoạt động dọc theo bờ biển phía Nam và Bắc Somalia nhưng nay đã mở rộng phạm vi hoạt động ở vịnh Aden và biển Đông châu Á. Trong thời gian gần đây, chiến thuật tấn công của cướp biển phát triển rất linh hoạt và phức tạp.
Trước đây, cướp biển thường sử dụng tàu cao tốc nhỏ đi cướp các tàu ở vùng biển gần bờ. Nhưng nay, chúng sử dụng “tàu mẹ” đi ra xa ngoài khơi.
Xuất phát từ những chiếc “tàu mẹ” này, các tàu con nhỏ hơn và canô cao tốc tỏa ra khắp nơi trên biển nhằm truy tìm và tấn công các tàu chở hàng và chở khách. Khi phát hiện “con mồi”, chúng liên lạc với nhau và thỏa thuận phương thức tấn công trong chớp nhoáng. Sau đó, chúng cho tàu áp sát và bất ngờ tràn vào các khoang tàu làm thủy thủ trở tay không kịp.
Vũ khí của bọn cướp biển rất đa dạng, từ AK-47, súng máy đến vũ khí hạng nặng như súng phóng lựu đạn, rốc-két. Ngoài canô cao tốc, bọn cướp biển còn có nhiều phương tiện công nghệ cao như điện thoại vệ tinh để hỗ trợ hoạt động đánh cướp.
Đầu năm nay, các chuyên gia bắt đầu lo ngại về việc cướp biển Somalia sử dụng các con tin làm lá chắn sống trong các chiến dịch giải cứu con tin của quốc tế.
Nỗ lực chưa thành của cộng đồng quốc tế
Với tình hình hỗn loạn tại Somalia và sự thiếu vắng một chính quyền trung ương mạnh, cộng thêm vị trí chiến lược của nước này ở vùng Sừng châu Phi, nạn cướp biển ở Somalia đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo thống kê của các quan chức Somalia, nước này hiện có khoảng 1.000 tên cướp biển. Bọn cướp thậm chí còn có “căn cứ địa” nằm tại Eyl, một thị trấn ở khu tự trị Puntland của Somalia.
Nhiều nước đã triển khai các biện pháp cứng rắn đối phó nạn cướp biển. Khoảng 30 quốc gia đã gửi tàu chiến tới tuần tra ở vùng biển Somalia. Nhiều tàu hàng giờ đã di chuyển cùng các đội bảo vệ vũ trang súng đạn. Từ năm 2008 cho đến nay đã giải cứu thành công nhiều vụ, hàng trăm tên cướp biển bị bắt và bị đưa tới Kenya, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia để khởi tố.
Đầu năm nay, hải quân Hàn Quốc, Malaysia và Ấn Độ đã có 3 vụ giải cứu thành công và bắt sống hàng chục tên cướp biển. Tuy nhiên nạn cướp không vì thế mà giảm đi. Tính đến tháng 2 năm nay, chúng đang nắm trong tay ít nhất 47 tàu và 800 con tin.
Bên cạnh đó, cướp biển Somalia cũng gây ra nhiều thiệt hại hơn. Khoản tiền chuộc trung bình mỗi chủ tàu phải trả cho chúng đã tăng gấp đôi, lên 5-10 triệu USD. Ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng chiến dịch đắt đỏ của thế giới chống cướp biển không đạt được mục đích mong muốn.
Theo SGGPO
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...