Campuchia tổ chức quốc tang

25/11/2010 07:38 AM


Hôm nay 25-11, Campuchia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp vào tối 23-11 trên cây cầu Koh Pic, cầu treo dẫn từ thủ đô Phnom Penh đến đảo Kim Cương.

* Số người chết tăng lên 456 người
* Thêm 2 người Việt thiệt mạng

Hôm nay 25-11, Campuchia tổ chức quốc tang tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa giẫm đạp vào tối 23-11 trên cây cầu Koh Pic, cầu treo dẫn từ thủ đô Phnom Penh đến đảo Kim Cương.

Các nhà sư cầu nguyện cho những người chết tại khu vực cầu Koh Pic.

Ngày 24-11, không khí tang thương tiếp tục bao trùm khắp đất nước Campuchia. Nhiều gia đình từ các tỉnh thành đã đổ về các khu lều trại, bệnh viện tại thủ đô Phnom Penh để nhận diện người thân đã chết hoặc bị thương.  

Lãnh đạo TPHCM gửi thư chia buồn

Ngày 23-11, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã gởi thư chia buồn đến ngài Kep Chuk Tema, Bí thư Đảng bộ Đảng Nhân dân (CPP), Đô trưởng kinh đô Phnom Penh sau vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại đảo Kim Cương, Campuchia làm hàng trăm người chết và bị thương.

Bức thư của đồng chí Lê Thanh Hải nêu rõ: “Thay mặt Đảng bộ và nhân dân TPHCM, tôi xin gởi lời chia buồn sâu sắc nhất đến ngài Kep Chuk Tema, đến gia đình những nạn nhân trong vụ tai nạn. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân kinh đô Phnom Penh dưới sự lãnh đạo của ngài, sẽ đoàn kết bên nhau, nén chặt đau thương, vượt qua khó khăn và nhanh chóng khắc phục hậu quả; tiếp tục đưa Kinh đô Phnom Penh phát triển mạnh mẽ, phồn vinh”.

Tại hiện trường vụ giẫm đạp, khoảng 400 nhà sư và quan chức chính phủ đặt hoa và thắp hương cầu nguyện cho những người đã chết. Nhà sư Non Ngeth, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Campuchia nói: “Họ không nghĩ sẽ chết ở đây. Chúng tôi cảm thấy thật đau xót”. Hàng trăm gia đình sẽ tổ chức đám tang tập thể cho các nạn nhân trong ngày 25-11. Tối 24-11, hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ chính phủ Campuchia cho biết, số người thiệt mạng đã tăng lên 456 người.

Chính phủ Campuchia thừa nhận rằng họ đã không lường trước việc kiểm soát đám đông suốt 3 ngày lễ hội với sự tham dự của gần 3 triệu người dân từ khắp đất nước. Ngay trong sáng 24-11, chính phủ Campuchia đã thành lập một Ủy ban đặc trách về thảm họa gồm 2 tiểu ban: tiểu ban về cứu nạn, cứu trợ và tiểu ban về điều tra nguyên nhân thảm họa.

Kết quả điều tra sơ bộ từ tiểu ban điều tra nguyên nhân thảm họa cho biết thảm kịch đã xảy ra sau khi chiếc cầu dẫn vào đảo Kim Cương bắt đầu rung lắc, khiến đám đông ước tính lên tới 7.000-8.000 người có mặt trên cây cầu tải trọng tối đa 350-400 tấn này hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau để thoát thân. Phần lớn những người có mặt trên cây cầu này là người dân tới từ các tỉnh lẻ, họ không biết rằng việc cầu rung lắc là điều bình thường. Vì sợ cây cầu sẽ sập, mọi người đã cố tìm cách bỏ chạy và nhiều người nhảy xuống sông để thoát thân.

Đại tướng Moocchito cho biết, nguyên nhân khác cũng đang được điều tra là do đường dẫn từ cầu vào đảo Kim Cương vốn là đường 1 chiều nhưng trong lúc tổ chức Lễ hội nước nhà đầu tư đã mở thành đường 2 chiều. Vì thế, khi xảy ra thảm họa, dòng người từ 2 phía đã đổ xô và giẫm đạp lên nhau.

Những người chứng kiến thảm kịch đã chỉ trích nhà chức trách gây ra tình trạng tắc nghẽn trên cây cầu treo vì phong tỏa một cây cầu khác dẫn vào đảo Kim Cương, bất chấp số lượng người tham gia lễ hội quá đông đúc. Các nhân chứng cũng chỉ trích sự phản ứng chậm chạp và lúng túng của giới chức hữu quan khi xảy ra thảm họa.

Thắp hương tưởng niệm những người đã chết tại khu vực cầu Koh Pic.

Phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Khieu Kanharith cho biết, một công ty an ninh tư nhân chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại đảo Kim Cương và các cây cầu vào đảo, còn cảnh sát chỉ hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự ở vòng ngoài. Trong lúc xảy ra thảm họa hơn 10.000 binh sĩ phụ trách an ninh và 2.000 người thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Campuchia đã khẩn trương hỗ trợ người dân thoát thân khỏi thảm họa.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, trong ngày 24-11 đã nhận diện thêm 2 người Việt thiệt mạng trong vụ giẫm đạp vào tối 22-11, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 10 người, 9 người bị thương, 1 người mất tích. Tất cả 9 nạn nhân đều được an táng và đưa về tỉnh Kan Dal hoặc thành phố Phnom Penh. Riêng nạn nhân còn lại là chị Nguyễn Thị Nhớ đến hôm nay mới thực hiện lễ an táng vì gia đình chị đang chờ chồng ở xa chưa về.

Đại sứ quán Việt Nam đã cử 3 Tham tán phụ trách cộng đồng đến động viên gia đình các nạn nhân người Việt tại Campuchia. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã hỗ trợ cho các gia đình có nạn nhân thiệt mạng là 100 USD/ người và người bị thương là 50 USD/người. 

P.NAM

 


 

Đoàn TPHCM hỗ trợ 150.000 USD

(SGGP).- Tối 24-11, tại Phnom Penh, Campuchia, đoàn công tác của đại diện Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM do bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP - làm trưởng đoàn, đã đến chia buồn cùng lãnh đạo TP Phnom Penh và thăm các nạn nhân trong vụ thảm họa xảy ra tối 22-11. Đoàn đã chuyển thư chia buồn của Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBNDTP Lê Hoàng Quân đến ngài Kep Chuk Tema - Bí thư Đảng bộ Nhân dân, đô trưởng kinh đô Phnom Penh.

Đoàn y, bác sĩ TPHCM thăm hỏi các nạn nhân tại Bệnh viện Calmette.

Dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, đoàn đã chuyển tặng TP Phnom Penh 5 tấn thuốc gồm 28 chủng loại thiết yếu (trị giá 50.000 USD) và 100.000 USD tiền mặt để giúp kinh đô Phnom Penh điều trị cho các nạn nhân và khắc phục hậu quả thảm họa.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, các bác sĩ TPHCM đã sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn và lực lượng khi phía bạn có yêu cầu. Ngài Kep Chuk Tema rất xúc động về sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã dành cho nhân dân Phnom Penh trong cơn hoạn nạn. “Sự quan tâm của nhân dân Việt Nam nói riêng và TPHCM nói chung là nguồn động viên giúp chúng tôi nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ thảm họa” - ngài Kep Chuk Tema bày tỏ.

Ngay trong đêm, đoàn công tác đã đến thăm hỏi các nạn nhân bị thương đang điều trị tại Bệnh viện Calmette. Ghi nhận tại bệnh viện, nhiều trường hợp bị thương nặng do bị giẫm đạp khi chen lấn vẫn còn trong tâm trạng hoảng loạn.

Kiri, 18 tuổi, ngụ tại tỉnh Kongpongcham, toàn thân vẫn còn bầm tím, bị gãy chân cho biết: Hàng ngàn người chen lấn giẫm đạp lên nhau. Sau đó em tỉnh lại thì đã nằm trong bệnh viện. Bác sĩ cho biết sẽ phải mổ.

Giám đốc Bệnh viện H.E Chheng Ra cho biết, bệnh viện vốn dĩ đã quá tải, sau khi xảy ra thảm họa lại càng quá tải. Trong số 360 nạn nhân tiếp nhận trong đêm 22-11, có 143 người thiệt mạng, số còn lại bị thương nặng và đa phần là phụ nữ. Những ngày qua, bệnh viện đã phải huy động 100% quân số. Tuy nhiên, do quá tải nên bệnh nhân vẫn phải nằm điều trị tại hành lang. 

HỒ THU
(Từ Phnom Penh, Campuchia)

- Thông tin liên quan:

>> Thảm họa lịch sử tại Campuchia khiến 380 người chết, hơn 760 người bị thương

>> Giẫm đạp tại Campuchia: Hàng trăm người thương vong

Theo SGGPO