Hội nghị thượng đỉnh NATO và bước tiến lịch sử với Nga

21/11/2010 12:48 PM


Trong hai 19-20/11 họp ở Lisbon tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất trong lịch sử 61 năm, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thu được kết quả “ấn tượng” nhất - đó là bước tiến lịch sử đạt được với Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa.

Trong hai 19-20/11 họp ở Lisbon tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhất trong lịch sử 61 năm, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thu được kết quả “ấn tượng” nhất - đó là bước tiến lịch sử đạt được với Nga về vấn đề phòng thủ tên lửa.
 
Tấm chắn tên lửa và bước tiến lịch sử với Nga
Dự án xây dựng lá chắn chống tên lửa tại châu Âu, chủ đề luôn bị Nga chống đối mạnh mẽ, là một trong ba vấn đề quan trọng được đề cập tại hội nghị Lisbon.

Tổng thư ký NATO Rasmussen (trái) và Tổng thống Nga Medvedev.
 
Hội nghị kết thúc với thông báo của lãnh đạo khối NATO, ông Anders Fogh Rasmussen rằng nước Nga đã thực hiện một bước tiến lịch sử khi bắt đầu hợp tác với NATO về vấn đề tên lửa phòng thủ.
 
Theo ông Rasmussen, “lần đầu tiên trong lịch sử, liên minh NATO và Mátxcơva sẽ hợp tác để tự vệ”, và rằng Tổng thống Nga đã đồng ý bằng văn bản rằng NATO và Mátxcơva không còn là mối đe dọa của nhau nữa.

Tổng thư ký NATO nói rằng quyết định này đánh dấu “một bước ngoặt thật sự” trong quan hệ giữa phương Tây và Mátxcơva. Như vậy, trong quan hệ NATO - Nga, đây là lần đầu tiên từ sau chiến tranh Gruzia, đối thoại song phương được nối lại. NATO đang quan tâm xây dựng các cầu nối với Mátxcơva. Các nỗ lực đã được hỗ trợ bởi sự khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Washington sẽ phê chuẩn một hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Mátxcơva.

Thượng đỉnh NATO tại Lisbon đã chấp thuận một chiến lược phòng thủ mới gồm trọng điểm là vũ khí hạt nhân phối hợp với hệ thống lá chắn tên lửa do Mỹ đề nghị. Hệ thống các dàn tên lửa chống tên lửa này sẽ được Mỹ bố trí tại châu Âu qua 4 giai đoạn: đầu tiên là trên biển rồi trên đất liền trong 10 năm tới.

Dự án của NATO mang nhiều cao vọng: bảo vệ các thành phố lớn và dân cư trên toàn châu Âu qua một hệ thống lá chắn chống tên lửa do Mỹ cung cấp phần lớn.

Washington đề nghị hệ thống lá chắn “nhập chung” với tất cả thành viên NATO. Đề nghị này thoạt đầu gây chia rẽ tại châu Âu. Một bên là Anh Pháp, muốn tuyệt đối sử dụng chiến lược răn đe hạt nhân. Bên kia, một số thành viên NATO, đứng đầu là Đức muốn dẹp hết vũ khí, hoàn toàn phi hạt nhân hóa gọi là “phương án số không”. Cuối cùng thì tất cả 28 thành viên đồng thuận là phối hợp hai biện pháp: hạt nhân và lá chắn.

 
Tổng thư ký NATO Rasmussen tại hội nghị.

Khái niệm chiến lược mới

Vấn đề đầu tiên được đề cập tại hội nghị ở Lisbon là 28 quốc gia thành viên NATO hy vọng thống nhất được một "khái niệm chiến lược mới" nhằm định hình phương thức tự vệ của NATO chống lại các mối đe dọa trong thập niên tiếp theo. Các cuộc tọa đàm Lisbon dự kiến sẽ định hình tương lai của NATO tại một thời điểm diễn ra các cắt giảm ngân sách và sự mở rộng các thách thức.

Dự thảo về “khái niệm chiến lược” mới của NATO là một văn bản 11 trang do Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Anders Fogh Rasmussen soạn thảo. Trong đó NATO khẳng định lại vai trò của Liên minh nhưng đồng thời để tồn tại khối này phải: Thứ nhất là hiện đại hóa guồng máy quân sự, để thích nghi với tình huống. Đe dọa lớn của ngày hôm nay là các hoạt động khủng bố quốc tế, là hiểm họa phổ biến vũ khí nguyên tử, và các hành vi của các nhóm tin tặc.

Yếu tố thứ hai cần xét lại trong chiến lược mới của NATO gắn liền với “các bài học rút ra từ chiến tranh Afghanistan”, đó là phải chú trọng đến việc đào tạo các lực lượng an ninh tại chỗ để NATO có thể nhanh chóng chuyển giao quyền lực lại cho các lực lượng này.

Điểm quan trọng cuối cùng trong chiến lược mới của NATO nhấn mạnh đến việc cần đẩy mạnh đối tác với khu vực châu Á Thái Bình Dương, với các nước thuộc vùng Địa Trung Hải, vùng Vịnh và Nga. Chiến lược mới của Liên minh Bắc Đại Tây Dương được đưa ra vào lúc nhiều nước thành viên như Anh, Pháp dự trù cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Vấn đề Afghanistan

Trong hai ngày họp 19-20/11, Afghanistan là chủ đề đi đầu chương trình nghị sự, với kế hoạch đưa các hoạt động tác chiến của NATO kết thúc vào năm 2014. Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai nói ông muốn NATO bàn giao lại quyền kiểm soát cho nước này vào cuối năm 2014 - thời hạn chót mà Mỹ mô tả là có tính thực tiễn nhưng không cứng nhắc.

 Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (trái) hoan nghênh quyết định của giới lãnh đạo NATO về việc vấn đề chuyển giao quyền kiểm soát.
 
Nhưng tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng khó có thể “nói trước được” vai trò của Mỹ tại Afghanistan sẽ ra sao vào năm 2014, thay đổi những tuyên bố trước đó của NATO rằng các lực lượng quốc tế sẽ chuyển giao quyền kiểm soát quân sự cho các lực lượng Aghanistan vào năm 2014.

Tổng thống Obama nói rằng mục tiêu của ông là cho đến năm 2014 các lực lượng Mỹ sẽ không còn can dự vào các hoạt động chiến đấu nữa “như hiện nay chúng ta can dự,” nhưng ông nói rằng ông sẽ đưa ra quyết định chung cuộc về vấn đề này “khi tới lúc.” Lời nhận định của ông tương phản với lời tuyên bố của ông Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen rằng ông không dự kiến là các binh sỹ nước ngoài sẽ giữ vai trò chiến đấu tại Afghanistan sau năm 2014.

Tổng thống Obama lên tiếng vào lúc kết thúc 2 ngày họp thượng đỉnh của khối NATO tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha về vấn đề Afghanistan và một số các đề tài an ninh khác.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, cũng hiện diện tại hội nghị này, đã hoan nghênh quyết định của giới lãnh đạo NATO về điều mà ông gọi là cuộc chuyển giao “hữu hiệu, không đổi ngược được và lâu bền.” Ông Rasmussen nói rằng ông “tin tưởng” là các nước có thể bắt kịp thời hạn 2014, nhưng nói thêm rằng việc chuyển giao còn tùy thuộc vào tình hình an ninh ở Afghanistan.

Trong những tuần lễ tới, quân đội Afghanistan sẽ bắt đầu thay thế dần lực lượng quốc tế tại những địa phương mà an ninh đã cải thiện: 37 quận trên tổng số 238 sẽ được bàn giao cho quân đội chính phủ.

Theo Dân Trí