Vấn đề lương hưu và chất thải khuấy động châu Âu
08/11/2010 07:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hàng chục ngàn người trên khắp nước Pháp ngày 6-11 (giờ địa phương) lại xuống đường bày tỏ sự bất bình đối với kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của chính phủ nước này, theo đó, tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62.
Người Pháp đội mưa biểu tình phản đối chính sách lương hưu mới
Các tổ chức công đoàn cho biết khoảng 1,2 triệu người đã tham gia biểu tình trong khi chính phủ ước tính chỉ khoảng 375.000 người.
Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ ký dự luật nói trên thành luật vào giữa tháng này.
Cùng ngày, hơn 100.000 người đã tập trung tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) tham dự một cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế xã hội của chính phủ. Cuộc biểu tình do các tổ chức công đoàn tổ chức, mở đầu cho một cuộc tổng bãi công, dự kiến diễn ra vào ngày 24-11 tới.
Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội và tiền lương xứng đáng và không chấp nhận các biện pháp kinh tế xã hội của chính phủ. Theo lãnh đạo tổ chức công đoàn lớn nhất Bồ Đào Nha, cuộc tổng bãi công sắp tới là cuộc tổng bãi công quan trọng nhất trong nhiều thập kỉ qua nhằm bảo vệ quyền có việc làm và tiền lương chứ không phải trợ cấp xã hội. Làn sóng phản đối của các tổ chức công đoàn đã nổ ra sau khi chính phủ (do đảng Xã hội trung hữu chiếm đa số ghế) dự định cắt giảm chi phí xã hội để thực hiện các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về giảm thâm hụt ngân sách.
Châu Âu không chỉ rối ren trước các cuộc biểu tình phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng để thoát khủng hoảng. Ngày 7-11, hàng chục ngàn người Pháp và Đức cũng đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối đối chuyến tàu chở rác thải hạt nhân từ Pháp sang chứa ở miền bắc nước Đức.
Số chất thải hạt nhân này được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân của Đức và được xử lý tại một nhà máy của tập đoàn hạt nhân Areva ở Pháp.
Tuy nhiên, sau nhiều giờ bị đình hoãn vì một nhóm tranh đấu môi trường tự xích họ vào đường rầy bên ngoài trạm xe lửa ở thành phố Caen ở tây bắc nước Pháp, chuyến xe lửa chở chất thải hạt nhân vẫn khởi hành đến thành phố Gorleben của Đức. Các nhóm môi trường cho biết lượng phóng xạ trên chuyến xe lửa này gấp đôi thảm họa Chernobyl.
Người Đức không chỉ lo lắng về sự an toàn của mình khi rác thải hạt nhân được chuyên chở tới nước này. Trước đó, ngày 25-10, họ cũng đã diễu hành đến tòa nhà Quốc hội để phản đối biện pháp gia hạn hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân của chính phủ. Họ thể hiện sự giận dữ trước quyết định gia hạn hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân của chính phủ, theo đó có 17 nhà máy tại khu vực biên giới của Đức, Pháp, Luxembourg này được hoạt động thêm 12 năm, tính từ thời điểm được quyết định ngừng hoạt động trước đó là năm 2021.
Theo SGGPO
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...