Indonesia: Nhiều chuyến bay quốc tế bị hủy vì núi lửa

03/11/2010 06:39 AM


Ngọn núi lửa nguy hiểm nhất Indonesia hôm nay đã buộc các hãng hàng không quốc tế phải hủy một loạt chuyến bay tới các sân bay gần đó, khi những dòng dung nham đỏ rực cùng cột khói đen đặc phun trào lên từ miệng núi lửa.

Ngọn núi lửa nguy hiểm nhất Indonesia hôm nay đã buộc các hãng hàng không quốc tế phải hủy một loạt chuyến bay tới các sân bay gần đó, khi những dòng dung nham đỏ rực cùng cột khói đen đặc phun trào lên từ miệng núi lửa.
 >>  Núi lửa Merapi lại phun trào dữ dội, 21 núi lửa khác "thức giấc"
 
Merapi phun trào những cột khói bụi cao hàng ngàn mét vào ngày hôm nay, 2/11.
 

Trong khi đó, các nhà khoa học cảnh báo, đợt phun trào dù chậm nhưng gây chết người này có thể sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần, giống như “một cuộc chạy đường dài, chứ không phải nước rút”.

 

Cho đến nay, chưa có thông báo gì về thương vong trong các vụ nổ mới nhất của ngọn núi lửa Merapi, gần thành phố Yogyakarta, Trung Java. Trong khi đó, Indonesia vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của trận sóng thần do động đất 7,7 richter gây ra, tàn phá một loạt các quần đảo xa xôi ở phía tây nước này. Thảm họa kép ở hai khu vực khác nhau cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của gần 470 người và “vắt kiệt” sức lực của hệ thống khẩn cấp chính phủ.
 
 
Ngoài ra, dòng dung nham nóng đỏ đã bắt đầu trào ra từ miệng núi lửa.
 

Indonesia, quốc đảo rộng lớn với 235 triệu dân, là nơi thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa, do nước này nằm dọc “Vành đại lửa” Thái Bình Dương, vành đai có hình vó ngựa của những đường nứt của vỏ trái đất, nằm ở tây và đông Thái Bình Dương.

 

Merapi, một trong 22 ngọn núi lửa hoạt động đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao, đã khiến 38 người thiệt mạng kể từ khi “thức giấc” hơn một tuần trước và cũng đã buộc 2 sân bay gần đó có lúc phải đóng cửa tạm thời.
 
 
Người dân tháo chạy khỏi khu vực bị ảnh hưởng.
 

Giới chức ở Yogyakarta, cửa ngõ tới những ngôi đền Borobudur nổi tiếng có từ thế kỷ thứ 9, với 1 triệu khách thăm quan mỗi năm và Solo bị phủ mù trong tro bụi, khiến tầm nhìn rất kém.

 

Cả 2 sân bay đều hoạt động vào ngày hôm nay, thứ ba, nhưng hãng hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia và  SilkAir của Singapore đã tuyên bố tạm thời ngừng nhiều chuyến bay quốc tế, bởi ngọn núi lửa đang âm ỉ cách đó có 30km.

 

Kể từ vụ nổ lớn đầu tiên vào ngày 26/10, đã có hơn 10 vụ phun trào lớn ở Merapi, trong đó có vụ phun trào cực mạnh vào hôm thứ hai vừa qua. Các chuyên gia cho rằng có vẻ như vụ phun trào đó là nhằm “giải phóng” áp lực bên trong miệng núi, “khơi thông” cho dòng macma.
 
 
Đồ cứu trợ đã đến được một trong những đảo xa xôi thuộc quần đảo Mentawai, bị sóng thần tàn phá.
 

Còn trong ngày hôm nay, thứ ba, có tổng cộng 3 đợt phun trào nhỏ hơn.

 

“Dĩ nhiên, không có cách nào biết chắc”, Safari Dwiyono, nhà nghiên cứu ngọn núi Merapi trong hơn 15 năm qua cho hay. “Nhưng dựa vào những gì chúng ta thấy vài ngày qua, chúng tôi hi vọng sẽ không có một vụ nổ lớn nào nữa. Có vẻ như chúng ta đang ở một cuộc chạy đường trường, chứ không phải nước rút”.

 

Gần 70.000 người dân làng đã được sơ tán khỏi các khu vực quanh sườn đồi từng rất phì nhiêu của Merapi, nhưng giờ phủ đầy tro xám xịt. Những người này dự kiến sẽ ở trong các trại tạm, đông đúc của chính phủ trong ít nhất 3 tuần nữa.

 

Trong khi đó, cách 1.300km về phía tây, một chiếc máy bay vận tải C-130 cùng 6 trực thăng, 4 tàu nhỏ đang chở đồ cứu trợ tới những ngóc ngách xa xôi nhất của quần đảo Mentawai, nơi phải hứng chịu trận trận sóng thần hồi tuần trước. Hàng trăm ngôi nhà, trường học, nhà thờ đã bị phá hủy. Theo cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia, số người thiệt mạng trong trận sóng thần tuần trước tính đến ngày hôm qua đã tăng lên đến 431 người.

 

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono kêu gọi tăng tốc nỗ lực cứu hộ, và tỏ ra không hài lòng khi phải mất nhiều ngày các nhân viên cứu hộ mới tới được các hòn đảo bị chia cắt, mặc dù ông cũng thừa nhận nguyên nhân chính là do các trận bão lớn.

 

Chính phủ Indonesia trong vòng hai tháng qua cũng đã tăng mức cảnh báo ở 21 ngọn núi đang hoạt động khác lên các cấp độ cao nhất, 2 và 3, do hoạt động ở những ngọn núi này gia tăng.

 

Hồi tháng 4 vừa qua, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy bỏ ở châu Âu sau khi ngọn núi lửa  Eyjafjallajokul ở Iceland phun trào.

Theo Dân Trí