Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn

11/06/2021 08:08 AM


Ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và chính Người đã trực tiếp phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng với nhiều kết quả to lớn, tốt đẹp.

Người đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng cũng như phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của Thi đua là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Ngày 1.5.1946, Người viết: “Ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”. Về nội dung thi đua, ngày 1.5.1951, Người xác định rõ “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”.

Theo Người “Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”, đã thi đua thì năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc phải tốt hơn, cao hơn “ Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”.

Phát biểu tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2.1961, Người chỉ rõ: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”. Người luôn yêu cầu phải thực hiện tốt đồng thời cả sản xuất và tiết kiệm “Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì: Tăng năng suất, làm tốt, làm nhiều. Ra sức tiết kiệm: Nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến hình thức, biện pháp để thúc đẩy phong trào thi đua được tốt. Tháng 6.1954, Người nêu rõ trong Điện gửi Đại hội Chiến sĩ thi đua Nam Bộ: “Cách thức thi đua - Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”. Người nhắc nhở cần chú trọng tới công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động công nhân tham gia thi đua. Ngày 18.7.1969, gặp gỡ với đại biểu lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Người căn dặn: “Làm tốt công tác vận động, tổ chức giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng, để họ hiểu và tự nguyện, tự giác giữ gìn kỷ luật lao động, giữ gìn của công, thực hành tiết kiệm”.

Người xác định vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”, tiên phong gương mẫu thi đua để công nhân noi theo.

Đồng thời Người cũng kêu gọi công nhân phải tự giác, hăng hái thi đua, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau “Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, tính sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thi đua phải chú ý bảo đảm hài hòa giữa lợi ích tập thể với lợi ích của cá nhân người lao động. Ngày 16.8.1956, Người nói chuyện với công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất (Hà Nội): “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh, thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”.

Tại Đại hội Các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1.5.1952, khi đánh giá kết quả thi đua từ năm 1948, Người công khai nêu ra những ưu điểm, khuyết điểm của từng ngành, cơ quan, đơn vị rất cụ thể “Công nghệ: Tinh thần, kỷ luật, tổ chức khá, sáng kiến nhiều, năng suất cao. Nhưng không đều, thiếu thường xuyên, liên tiếp. Ngành vận tải tiến chậm. Các xưởng tư thi đua kém... Lao động trí óc: Cán bộ chuyên môn thi đua khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thi đua diệt giặc dốt khá, nhưng nói chung thì ngành văn hóa giáo dục tiến chậm... Các cơ quan: Có chương trình, phương hướng, cố gắng. Nhưng chưa đều, chưa có nền nếp, thiếu liên tiếp”.

Từ đó, Người yêu cầu: “Từ nay, phải phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Những ngành thi đua đã khá thì phải cố gắng thêm. Những ngành còn kém thì phải cố gắng theo cho kịp phong trào”.

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn các cấp của nước ta đã thực hiện tốt tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, các thế hệ công nhân, người lao động, tổ chức công đoàn hưởng ứng nhiều phong trào thi đua đạt kết quả cao, như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Lao động giỏi”, “Sáng kiến, tiết kiệm”, “Thi đua hai tốt”…

Từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân” (“Tháng công nhân” năm 2021 có chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển”, trong đó có Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”). “Tháng công nhân” hằng năm đã thật sự thu hút sự hưởng ứng của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn và toàn xã hội. Đặc biệt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã và đang được công nhân lao động, tổ chức công đoàn triển khai thực hiện tích cực với nhiều mô hình, hoạt động tiêu biểu, sinh động và hiệu quả.

Hiện nay cùng với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động chung do Chính phủ phát động, triển khai, Công nhân, Công đoàn cả nước đã và đang đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, như “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”…

Ngày 23.12.2020, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn năm 2021, với chủ đề là: “Tận dụng cơ hội, vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”.

Phong trào thi đua này chia làm 2 đợt, Đợt 1 từ tháng 1.2021 đến ngày 30.6.2021; Đợt 2, từ 1.7.2021 đến 31.12.2021. Vừa qua, giai cấp công nhân Việt Nam hằng năm đã đóng góp cho đất nước 65% tổng sản phẩm quốc dân, hơn 70% ngân sách Nhà nước.

Mới đây, với tinh thần cùng cả nước tham gia “chống dịch như chống giặc”, Tổng LĐLĐVN đã chính thức phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân” thông qua Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động. Tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 tổ chức vào tối ngày 6.6.2021, Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đã trao tặng số tiền 150 tỉ đồng.

Thực tế đã khẳng định thực hiện tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, phong trào thi đua yêu nước của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam đã được triển khai tích cực, bền bỉ, sâu rộng, hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, sinh động và hiệu quả.

Hiện nay, giai cấp công nhân Việt Nam đóng góp cho đất nước 65% tổng sản phẩm quốc dân, hơn 70% ngân sách Nhà nước. Những kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước ấy đã và đang góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Công Minh (Laodong.vn)