5 hệ quả sau quyết định rút quân khỏi bắc Syria của Tổng thống Trump

17/10/2019 08:25 AM


Quyết định của Tổng thống Donald Trump khi rút quân đội Mỹ khỏi bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd, đã dẫn tới những hệ quả ngoài dự tính.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump khi rút quân đội Mỹ khỏi bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd, đã dẫn tới những hệ quả ngoài dự tính.
>>Nga đưa binh sĩ gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút quân
>>Mỹ tính đưa 50 quả bom hạt nhân ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ giữa căng thẳng
>>Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ khi đồng minh NATO không ủng hộ “động binh” tại Syria

5 hệ quả sau quyết định rút quân khỏi bắc Syria của Tổng thống Trump - 1

 

Lính Mỹ ngồi trên xe bọc thép tại khu vực gần một căn cứ của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở ngoại ô Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định rút quân đội Mỹ khỏi khu vực phía bắc Syria, khẳng định động thái này nhằm thực hiện cam kết từ chiến dịch tranh cử của ông về việc chấm dứt các cuộc chiến kéo dài bất tận của Washington.

Tuy nhiên, sau khi ông chủ Nhà Trắng thông báo quyết định trên, nhiều ý kiến chỉ trích đã cảnh báo về những hệ quả có thể xảy ra, từ việc làm sụt giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông cho tới sự trỗi dậy của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trang tin The Hill đã liệt kê 5 hệ quả sau quyết định rút quân khỏi bắc Syria của Tổng thống Trump.

Người Kurd liên minh với chính quyền Syria

Các lực lượng người Kurd trước đây từng liên minh với Mỹ để chiến đấu chống IS, còn bây giờ họ chuyển hướng hợp tác sang Tổng thống Syria Bashar Assad để nhận được sự bảo vệ.

Với tầm kiểm soát gần 1/3 lãnh thổ Syria, chính quyền tự trị người Kurd ở đông bắc Syria cuối tuần trước thông báo chính quyền Assad đã nhất trí giúp đỡ “đẩy lùi sự gây hấn của Thổ Nhĩ Kỳ và giải phóng các khu vực đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng đánh thuê tiến vào”.

Thỏa thuận trên đã cho thấy sự dịch chuyển đáng kể về quan hệ liên minh trong cuộc nội chiến kéo dài 8 năm tại Syria, đồng thời chấm dứt quyền tự trị của lực lượng người Kurd, khi lần đầu tiên trong vòng nhiều năm, quân đội của chính quyền Assad được phép tiến vào khu vực do người Kurd kiểm soát.

Trước đó, nhiều người đã thừa nhận chiến thắng của Tổng thống Assad trong cuộc nội chiến tại Syria. Theo đó, việc liên kết với người Kurd càng củng cố hơn nữa quyền lực của nhà lãnh đạo Syria. Nhưng đồng thời, điều này cũng dẫn tới nguy cơ xảy ra xung đột trực diện giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mở ra một giai đoạn đổ máu mới trong cuộc chiến tại Syria.

Nga gia tăng ảnh hưởng

Khi tầm ảnh hưởng của Tổng thống Assad tăng lên, tầm ảnh hưởng của Nga, một đồng minh của chính quyền Syria, cũng tăng theo.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/10 thông báo lực lượng quân sự của nước này đang tuần tra tại Manbij, một thành phố quan trọng tại Syria nằm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng thời điểm đó, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu xác nhận đã rút quân khỏi Manbij.

Đoạn video đăng lên mạng dường như cho thấy lực lượng quân sự Nga đã tiếp quản một căn cứ do Mỹ để lại ở Manbij.

Trước đó, lực lượng người Kurd, với sự hậu thuẫn của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, đã giành lại Manbij từ tay IS hồi năm 2016. Kể từ đó, Manbij trở thành “điểm nóng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này đòi lực lượng người Kurd phải rút đi.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhất trí một lộ trình đối với Manbij, trong đó lực lượng người Kurd sẽ rút lui sau các cuộc tuần tra của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để gìn giữ hòa bình cho khu vực này.

Bây giờ Nga gánh trách nhiệm ngăn chặn xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại Manbij.

Mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là hai phe đối lập trong cuộc nội chiến tại Syria, song mối quan hệ giữa hai nước ngày càng thắt chặt hơn trong những năm gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga - một dấu hiệu cho thấy sự rời xa của Ankara với phương Tây.

Trong một động thái nhằm củng cố vị thế mới của Nga với vai trò là “người phán xử” tại Trung Đông, Tổng thống Vladimir Putin tuần này đã tới thăm Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất - chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga trong hơn một thập niên.

Tù nhân IS tẩu thoát

5 hệ quả sau quyết định rút quân khỏi bắc Syria của Tổng thống Trump - 2

 

Khói bốc lên từ những xe ô tô bị cháy sau vụ nổ ở thành phố Qamishli, đông bắc Syria ngày 11/10 (Ảnh: AP)

Đã xuất hiện nhiều thông tin nói rằng, các tù nhân IS đã vượt ngục khỏi các nhà tù do người Kurd kiểm soát giữa lúc xảy ra tình trạng hỗn loạn do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.  

Chính quyền người Kurd tại bắc Syria cho biết, 785 đối tượng ủng hộ IS đã trốn thoát khỏi một trại giam giữ tại Ein Eissa sau một đợt nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên con số này chưa được kiểm chứng.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chính lực lượng người Kurd đã thả các tù nhân IS khỏi các nhà tù. Tổng thống Trump dường như đồng tình với quan điểm này. Trong khi đó, CNN Foreign Policy dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ tin rằng dân quân Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã thả các tù nhân IS.

NATO căng thẳng

Các quan chức trong chính quyền Trump đã bảo vệ quyết định rút quân khỏi bắc Syria khi cho rằng, Mỹ không thể tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO.

Tuy vậy, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn tới sự xuống dốc chưa từng có trong mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Quốc hội Mỹ đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số đồng minh NATO cũng có các động thái trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Italy, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Đức, Anh và Séc đã dừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần này tuyên bố ông sẽ gây sức ép với NATO để có hành động đối với chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi sẽ tới thăm (trụ sở) NATO vào tuần tới ở Brussels, nơi tôi dự kiến sẽ tạo sức ép với các đồng minh NATO để có các biện pháp kinh tế và ngoại giao riêng rẽ cũng như tập thể nhằm đáp trả các hành động quá đáng của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Esper cho biết.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/10 cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về tác động bất ổn do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết đây sẽ là chủ đề thảo luận trong cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tuần tới.

“NATO không ủng hộ chiến dịch này (của Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều đồng minh NATO đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Những gì tôi có thể nói là tôi quan ngại sâu sắc về những hệ quả, bao gồm hệ quả đối với cuộc chiến (chống IS), con người và sự ổn định trong khu vực”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở London.

Hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ được cho là đặt 50 đầu đạn hạt nhân tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên các quan chức Mỹ vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Từ nhiều năm qua, những quan điểm ủng hộ kiểm soát vũ khí đã hoài nghi về số vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Họ bày tỏ quan ngại rằng các đầu đạn hạt nhân của Mỹ có thể lọt vào tay kẻ xấu.

Những câu hỏi về sự an toàn của các vũ khí hạt nhân Mỹ từng được đặt ra sau nỗ lực đảo chính bất thành nhằm vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang xuống dốc do vấn đề Syria, New York Times dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết giới chức Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ đang âm thầm lên kế hoạch đưa số bom hạt nhân trên khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Dân Trí