NATO lên tiếng về sự trỗi dậy của Trung Quốc
09/08/2019 07:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
NATO cần hiểu những hàm ý từ sự trỗi dậy của Trung Quốc khi Bắc Kinh mở rộng sức mạnh khắp thế giới, trong đó có những khu vực có thể gây thách thức cho các thành viên của tổ chức này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Sự quyết liệt của Trung Quốc, bao gồm trên biển Đông, đang khiến nhiều nước lo ngại về ý định của nước này. Mỹ kêu gọi NATO (Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cần nhận ra và thích nghi với những đe dọa mới trỗi dậy.
“Đây không phải chuyện chuyển NATO xuống Thái Bình Dương, mà là cần đối phó với thực tế là Trung Quốc đang tiến gần chúng tôi”, ông Stoltenberg nói với Reuters trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Sydney, Úc.
“Đầu tư nhiều vào những công trình hạ tầng quan trọng ở châu Âu, gia tăng hiện diện ở Bắc cực và châu Phi cũng như trên không gian mạng”, ông Stoltenberg nói về các hoạt động của Trung Quốc. “Tất cả những điều này khiến NATO cần đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và chúng tôi làm điều đó không chỉ bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác của chúng tôi ở khu vực là Úc và New Zealand, mà còn cả với Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Stoltenberg nói.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng không chỉ vì chiến tranh thương mại mà còn bởi những sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cuối tuần qua nói rằng ông muốn đưa các tên lửa tầm trung đến châu Á - Thái Bình Dương để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phát biểu từ Sydney, ông Esper nói Trung Quốc đang gây bất ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cáo buộc Bắc Kinh thực hiện chính sách kinh tế kiểu săn mồi, đánh cắp sở hữu trí tuệ và “vũ khí hóa những hàng hóa thông thường”.
“Hôm qua tôi nói chuyện với ông Esper và ông ấy nói rằng sẽ mất thời gian để triển khai các tên lửa tầm trung mới, khả năng thực hiện điều này có thể mất thời gian và chưa có quyết định nào được đưa ra”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg đưa ra những ý kiến này sau cuộc gặp với Thủ tướng Úc Scott Morrison và các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng để thảo luận về Trung Quốc, về cuộc chiến ở Afghanistan, chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng quan hệ ngoại giao và thương mại song phương giảm đáng kể từ khi Canberra nêu quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này và cấm hãng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Kế hoạch mới của Mỹ
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 6/8 nói rằng việc triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung mới đến châu Á là nhằm tự vệ và bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở khu vực, vì kho vũ khí đang lớn dần của Trung Quốc đặt các căn cứ quân sự của Mỹ và Nhật Bản vào tầm bắn.
“Chúng tôi chỉ đang nói về việc bảo vệ các lực lượng, các đồng minh của chúng tôi ở Hàn Quốc, Nhật Bản và những nơi khác. Chính Trung Quốc tích lũy vũ khí và gây đe dọa”, ông Bolton nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper chưa nói đến địa điểm sẽ tiếp nhận các tên lửa Mỹ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và lãnh thổ Guam của Mỹ có thể được chọn.
Trung Quốc cảnh báo bất kỳ nước nào tiếp nhận tên lửa Mỹ cũng sẽ đối mặt với biện pháp đáp trả. Trong một bài xã luận đăng cuối tuần qua, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, cảnh báo Nhật Bản hay Hàn Quốc nếu chấp nhận như vậy sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và “hỗn loạn địa chính trị” ở khu vực.
Theo Dân Trí
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...