Bom Zagon - thế hệ vũ khí chống ngầm mới của Nga

13/05/2019 08:15 AM


"Sát thủ thầm lặng" Zagon-2 nguy hiểm hơn nhiều so với ngư lôi hoặc tên lửa, là đột phá lớn trong lĩnh vực vũ khí hàng không chống ngầm.

"Sát thủ thầm lặng" Zagon-2 nguy hiểm hơn nhiều so với ngư lôi hoặc tên lửa, là đột phá lớn trong lĩnh vực vũ khí hàng không chống ngầm.

Cuộc chiến chống ngầm không hề đơn giản

Không quân hải quân ra đời trước Thế chiến I, nhưng mãi đến giữa những năm 1930, máy bay và khinh khí cầu của hải quân một số nước mới được trưng dụng để dò tìm tàu ngầm. Phát hiện tàu ngầm dưới đáy biển sâu, là một công việc không hề đơn giản. Các thiết bị hàng không cần biết trước các tính năng của nước trong khu vực tìm kiếm, cũng như độ sâu, mật độ… của nó. Sau đó, dành hàng giờ bay qua khu vực tìm kiếm, lắng nghe tín hiệu từ các phao nổi được đặt trước. Công việc này tốn nhiều chi phí và thời gian.

Bom Zagon - thế hệ vũ khí chống ngầm mới của Nga - 1

Bom chống ngầm Zagon-2E. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

Trước đây, tấn công tàu ngầm được tàu mặt nước thực hiện bằng bom, về thực chất, là các thùng chứa thuốc nổ đơn thuần. Những quả bom hàng không đầu tiên xuất hiện trước Thế chiến II đã không gây ra nhiều thiệt hại trong cuộc chiến chống ngầm. Ở Liên Xô, năm 1940, bom chống ngầm PLAB-100 (ПЛАБ-100) nặng 100 kg với 70 kg thuốc nổ đã ra đời. Sau khi ném bằng dù, bom sẽ chìm và phát nổ ở độ sâu định trước. Trước chiến tranh, 13,5 nghìn PLAB-100 đã được tích lũy trong các nhà kho, tuy nhiên, trong chiến tranh, chỉ có 3,7 nghìn quả được sử dụng.

Giữa thập niên 1960, xuất hiện hai loại bom chống ngầm mới - PLAB-50 (ПЛАБ-50 - bom chùm) và PLAB-250-120, được trang bị ngòi nổ cảm ứng, giúp nó được kích nổ đúng lúc hơn. Tuy nhiên, chúng là những quả bom thường, chìm tự do, hiệu quả phụ thuộc vào khoảng cách bom rơi cách tàu ngầm bao xa. Đó là tất cả các loại bom mà Không quân của Hải quân Nga có trước năm 1994 - thời điểm bom Zagon-1 (Загон-1) được được đưa vào biên chế và người Nga bắt đầu cân nhắc nghiêm túc về bom chống ngầm.

Cũng một thời, người ta đã chú trọng ngư lôi chống ngầm phóng từ máy bay (PLAT), bắt đầu được trang bị cho Không quân Hải quân Liên Xô vào 1962. Các ngư lôi AT-1 và đặc biệt AT-2, đã chứng tỏ hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại bom chìm tự do, có thể độc lập tìm kiếm tàu ngầm bằng cách sử dụng các thiết bị âm cả chủ động và thụ động, tầm hoạt động đến 5.000 m, mang khối lượng chất nổ hơn 100 kg, có thể tiêu diệt tàu ngầm ở độ sâu 400 m khi phát nổ cách thân tàu ngầm tới 5 m. Sau khi hết thời gian điều khiển, ngư lôi sẽ tự hủy.

Một thực tế là vào đầu những năm 1960, giới quân sự phấn khích với sức mạnh khủng khiếp do phản ứng dây chuyền hạt nhân và phản ứng nhiệt hạch mang lại, người Mỹ nghĩ đến những quả bom hạt nhân chống ngầm mà không nhất thiết phải được ném chính xác trúng đích. Bom hạt nhân chống ngầm rơi tự do có tên Mk.90 (công suất 2 - 40 KT) ra đời trong bối cảnh đó và Mỹ đã sản xuất tổng số 225 quả bom loại này.

Vì "Betty"có thể phá hủy không chỉ một số tàu ngầm Liên Xô, mà cả tàu Mỹ nằm ở khoảng cách đáng kể, sau đó, Mỹ chuyển sang sản xuất một loại bom nhẹ hơn có tên là Mk.101 "Lulu" (khoảng 11 KT). Liên Xô đã đáp trả tương xứng vào năm 1963 - thiết lập việc sản xuất các loại hạt nhân bom chống tàu ngầm đầu tiên được gọi là 5F48 Scalp (5Ф48 «Скальп»), và tiếp theo là 8F59 (8Ф59), với phương tiện mang là phiên bản sửa đổi của trực thăng Ka-25.

Bom Zagon - thế hệ vũ khí chống ngầm mới của Nga - 2

Vụ nổ bom Zagon-2E. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Zagon-2E – hậu duệ xứng danh

S3V Zagon - tiền thân của Zagon-2E lần đầu tiên được công bố tại MAKS Airshow năm 1992 - là bom gắn dù được thả từ trên không; hệ tìm kiếm tàu ngầm đối phương hoạt động theo nguyên lý âm gắn ở đầu bom được kích hoạt khi bom rơi xuống nước. S3V có hiệu quả cao hơn 1,2 - 1,6 lần so với các bom thông thường không điều khiển ở vùng nước nông (≤ 200 m), và khoảng 4 - 8 lần ở vùng nước sâu (tới 600 m).

Bom Zagon-2E do Viện nghiên cứu kỹ thuật nhà nước ở Balashikha phát triển, đã được Nga trưng bày tại Triển lãm công nghiệp quốc phòng IDEF-2019 lần thứ 14 được tổ chức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là một vũ khí chống ngầm độc đáo, không có mô hình tương tự trên thế giới, với tên tiếng Nga tạm dịch là Bom Hàng không có lái dẫn (Корректируемые/Управляемые авиационные бомбы - КАБ), có thể phá hủy tàu ngầm đối phương ở độ sâu tới 600 m (tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia và lớp Ohio của Hải quân Mỹ đều không thể lặn sâu hơn 300 m), hay đang nổi trên mặt nước.

Ngày 13/2/2017, phiên bản Zagon-2 - được mệnh danh là "Sát thủ thầm lặng" - được Bộ Quốc phòng Nga đưa vào sản xuất với các thông số kỹ thuật: dài: 1,5 m; đường kính: 232 mm; trọng lượng: 120 kg; khối lượng thuốc nổ: 35 kg; độ sâu hoạt động: > 600 m; hệ thống âm có bán kính hoạt động: 450 m, góc quét 60 độ; di chuyển với tốc độ 18 m/s; triển khai từ: máy bay cánh cố định và cánh quay; sử dụng ngòi nổ cơ-điện; có thể sử dụng trong điều kiện sóng biển cấp 6; tuổi thọ 10 năm.

Zagon-2E cũng có cơ chế tự hủy nếu mục tiêu không được phát hiện trong một khoảng thời gian xác định. Hậu duệ này có hiệu quả gấp ba lần so với các thế hệ trước - Zagon-1 - trong khi chi phí sản xuất thấp hơn ba lần. Theo các nhà chế tạo, tất cả các cấu phần của bom đều được thử nghiệm trong buồng kín, dưới áp suất tới 400 atm; ngay cả với sai số nhắm mục tiêu tới 200 m, xác suất hạ sát tàu ngầm vẫn đạt 60%. Zagon-2E có thể được phóng cả từ máy bay chống ngầm tầm xa và trực thăng Il-38, Tu-142M và Ka-27PL, trong mọi điều kiện khí hậu trên tất cả các đại dương.

Khi được ném từ máy bay, Zagon-2E sẽ bật dù và tiếp cận mặt nước. Dù được sử dụng không chỉ để giảm tác động của quả bom được gắn các thiết bị điện tử tinh vi khi chạm mặt nước, mà còn tăng độ chính xác của việc ném bom ở tốc độ cao của máy bay. Zagon-2E có thể nổi trên mặt nước khoảng 4 phút nhờ hệ thống phao gắn kèm được kích hoạt trước khi bom chạm mặt nước để tìm kiếm mục tiêu cần tấn công dựa vào tín hiệu âm và hệ thống kiểm soát chuyển động.

Khi phát hiện được mục tiêu, bom được tách khỏi dù và phao và được lái dẫn tiếp cận mục tiêu theo nguyên lý của trọng lực. Mỹ hiện chưa có phương án khả thi nào có thể đối phó với loại vũ khí này, CSIS thừa nhận.

Zagon-2 là một phương tiện chống ngầm hiệu quả với các ưu thế đáng kể so với ngư lôi phóng từ máy bay - đơn giản hơn nhiều về cấu tạo, mang tính công nghệ hơn và giá thành rẻ hơn nhiều. Tránh được nhược điểm cố hữu của ngư lôi là không tạo ra bất kỳ tiếng ồn nào để hệ thống dò thủy âm của tàu bị tấn công có thể phát hiện được, đồng thời cũng sở hữu ưu điểm của ngư lôi là có thể tiếp cận mục tiêu với sự trợ giúp của đầu tự dẫn, Zagon-2 thực sự nguy hiểm hơn nhiều so với ngư lôi hoặc tên lửa, là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực vũ khí hàng không chống ngầm.

Theo Dân Trí