Mỹ gặp khó khi lập liên minh với Nhật, Hàn đối phó Trung Quốc
14/01/2019 09:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong giới chính sách ngoại giao của Mỹ, có một mục tiêu chiến lược lâu dài tại Đông Á: thiết lập liên minh 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm tạo một mặt trận liên kết chống lại các lo ngại an ninh chung, trong đó tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc gặp (Ảnh: AP)
Nhưng có một vấn đề lớn là Hàn Quốc và Nhật Bản dường như không thể hòa hợp. Mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul, từ lâu đã bị căng thẳng bởi các vấn đề lịch sử do sự chiếm đóng của Nhật trên bán đảo Triều Tiên 1910-1945, đã xấu đi khi hai bên vướng phải hết tranh cãi này tới tranh cãi khác.
Trong những tuần gần đây, hai nước đã mâu thuẫn về một cuộc va chạm giữa quân đội hai bên trong vùng biển quốc tế và vấn đề phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II.
"Mỹ từ lâu đã hi vọng rằng 2 đồng minh châu Á sẽ hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, ở các mức độ đơn phương và đa phương, với Mỹ nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh khu vực", Brad Glosserman, Phó giám đốc Trung tâm chiến lược lãnh đạo tại Tokyo thuộc Đại học Tama (Mỹ), nói.
Hồi tuần này, một tòa án Hàn Quốc đã tịch thu tài sản của một công ty Nhật Bản đề đền bù cho các nạn nhân của tình trạng cưỡng bức lao động thời chiến, sau một quyết định có liên quan của Tòa án Tối cao mà Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gọi là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Hồi tháng 12 năm ngoái, Tokyo cáo buộc một tàu Hàn Quốc khóa radar mục tiêu nhằm vào một máy bay tuần tra. Seoul đã giận dữ bác bỏ cáo buộc của Nhật Bản.
Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều điểm chung: cả hai đều là các nước có binh sĩ Mỹ đồn trú và chia sẻ quan điểm của Mỹ về "trật tự dựa trên các luật lệ" tại châu Á. Quan trọng hơn, cả hai đều xem các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa, và lo lắng về viễn cảnh Trung Quốc bá quyền tại châu Á.
"Khi có các vấn đề an ninh trong chính trị quốc tế, thường là khi có một mối đe dọa chung, đó là khi bạn có thể khiến hai bên tách bạch các vấn đề bất đồng", Andrew Yeo, giáo sư về chính trị và giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Công giáo Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, áp lực chính trị ở trong nước gia tăng từ các tranh cãi về lãnh thổ và lịch sử đã khiến hai bên khó hợp tác chặt chẽ hơn.
Hồi năm ngoái, báo báo Asahi đưa tin, Seoul chia sẻ rất ít thông tin tình báo với Tokyo dù hai bên có ký một thỏa thuận liên quan vào năm 2016. Thỏa thuận đó đã khiến công chúng Hàn Quốc nổi giận. Cùng thời điểm đó, Seoul phải từ chối một thỏa thuận của Mỹ cho các cuộc tập trận 3 bên liên quan tới Tokyo.
Dù vậy, Washington đã nỗ lực trong nhiều năm để đưa 2 bên xích lại gần nhau nhằm đối phó với các mối đe dọa chung.
"Mỹ đã rất cố gắng, nhưng âm thầm, theo các cách không gây mất hòa khí với bên nào và cũng không để họ cáo buộc Washington đứng về bên này hay bên kia", ông Glosserman nói.
Vào năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa mời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham gia cuộc hội đàm 3 bên đầu tiên tại Hội nghị an ninh hạt nhân ở La Hay, Hà Lan. Ông Obama sau đó ca ngợi cuộc gặp là một ví dụ về hợp tác chung giữa 3 nước khi đối mặt với Triều Tiên và cách thách thức khác.
Nhưng Tổng thống Donald Trump dường như lại cách mình khỏi các liên minh của Mỹ trên thế giới, thay vào đó là ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trên hết" và tập trung vào các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của Washington vẫn là Hàn Quốc và Nhật Bản gạt sang một bên những bất đồng và hợp tác về các mục tiêu chiến lược chung.
"Điều logic là có vẻ như họ sẽ liên minh chặt chẽ hơn. Tôi lạc quan rằng về lâu về dài những khác biệt này, dù không được giải quyết, vẫn có thể được xử lý theo cách cả 3 quốc gia hợp tác cùng nhau để giải quyết các vấn đề an ninh ở Đông Á".
Theo Dân Trí
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024