Chính phủ Pháp “xuống thang” giữa lúc căng thẳng: Chưa đủ với người biểu tình?

06/12/2018 08:24 AM


Các đề xuất nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu cơn giận dữ của đám đông biểu tình tại Pháp trong suốt nhiều ngày vừa qua.

Các đề xuất nhượng bộ của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron dường như vẫn chưa đủ để xoa dịu cơn giận dữ của đám đông biểu tình tại Pháp trong suốt nhiều ngày vừa qua.
 >> Phong trào “Áo vàng” quyết không lùi bước sau khi chính phủ Pháp nhượng bộ
 >> 5 con số “giải mã” nguồn cơn bạo động rung chuyển nước Pháp
 >> Chính phủ Pháp nhượng bộ sau vụ bạo loạn tồi tệ nhất nhiều thập niên


Người biểu tình cầm cờ đứng trên đống đổ nát tại Paris. (Ảnh: Reuters)


Người biểu tình cầm cờ đứng trên đống đổ nát tại Paris. (Ảnh: Reuters)

Phong trào Áo vàng bắt đầu nổi lên từ cuối tháng 10 nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp. Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm theo đuổi các chính sách năng lượng sạch.

Mặc những chiếc áo bảo hộ màu vàng mà các tài xế Pháp thường mang theo trong xe, những người biểu tình đã chặn các tuyến đường và trạm xăng suốt cả đêm, đập phá các phương tiện giao thông trước thềm lễ Giáng sinh.

Tại thủ đô Paris, hơn 200 xe ô tô đã bị thiêu rụi trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước. Đây được xem là những vụ đụng độ khủng khiếp nhất tại trung tâm Paris trong nhiều thập niên qua.

Các cuộc biểu tình ban đầu nổ ra nhằm phản đối tăng thuế nhiên liệu, tuy nhiên sau đó chúng biến thành phong trào với quy mô lớn hơn nhằm phản đối Tổng thống Macron. Phần lớn những người biểu tình là người dân sống ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn của Pháp.

Những người biểu tình chỉ trích Tổng thống Macron là vị tổng thống kiêu ngạo đứng về phía người giàu và không quan tâm tới cuộc sống khó khăn thắt lưng buộc bụng của dân thường tại các tỉnh trên khắp nước Pháp.

Những người biểu tình theo đuổi các mục tiêu khác nhau: Một số muốn tập trung vào việc giảm thuế nhiên liệu, một số khác muốn Tổng thống Macron từ chức. Trong khi đó, một số khác muốn đảo ngược chính sách cắt giảm thuế do Tổng thống Macron đưa ra dành cho những người giàu nhất tại Pháp để thúc đẩy hoạt động đầu tư.

Gắn liền với các cuộc biểu tình là những lời than phiền rằng, người lao động tại các tỉnh, những người bị chính phủ Pháp lãng quên, đang phải sống chật vật với mức thu nhập ít ỏi sau khi chi trả các khoản thuế cao nhất tại châu Âu.

Là một phong trào phi chính trị với những người biểu tình thuộc nhiều đảng phái khác nhau, phong trào Áo vàng đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều người, bao gồm cả giới nghị sĩ như lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen hay lãnh đạo phe cực tả Jean-Luc Melenchon.

Đề xuất của chính phủ


Tổng thống Macron thị sát thiệt hại sau biểu tình tại Paris. (Ảnh: EPA)


Tổng thống Macron thị sát thiệt hại sau biểu tình tại Paris. (Ảnh: EPA)

Sau nhiều ngày nổ ra biểu tình biến thủ đô Paris thành nơi tan hoang, chính phủ Pháp đã có dấu hiệu nhượng bộ. Thủ tướng Edouard Philippe hôm 4/12 công bố một loạt biện pháp nhằm xoa dịu cơn giận dữ của dư luận.

Theo đó, kế hoạch tăng thuế nhiên liệu sẽ được tạm hoãn trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, các bài kiểm tra đánh giá khắt khe hơn về mức độ ô nhiễm của ô tô nhằm khuyến khích các tài xế chuyển sang dùng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn cũng được tạm hoãn trong nửa năm. Kế hoạch tăng giá điện và khí đốt cũng tạm dừng trong mùa đông.

Tuyên bố của chính phủ Pháp hôm qua đã cho thấy sự xuống thang đáng kể của Tổng thống Macron, người được cho là hoàn toàn khác với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm khi từng tuyên bố không thay đổi lập trường trước các phong trào xuống đường biểu tình.

Sự nhượng bộ là chưa đủ?


Cảnh sát đụng độ với người biểu tình Áo vàng. (Ảnh: Getty)


Cảnh sát đụng độ với người biểu tình Áo vàng. (Ảnh: Getty)

Một số người biểu tình đánh tín hiệu cho thấy họ hài lòng với sự nhượng bộ của chính quyền Macron, trong đó có một nhóm nói rằng họ sẽ dỡ bỏ rào chắn tại một trạm xăng ở Brest, vùng Brittany.

Tuy nhiên, một nhóm khác vẫn đang dựng rào chắn ở trạm xăng tại Le Mans, phía tây Pháp. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình.

Marc Beaulaton, một nhân viên an ninh hạt nhân 59 tuổi đã nghỉ hưu, cho rằng những đề xuất của chính phủ chỉ là những biện pháp nhỏ nhặt.

Chính phủ đang tìm cách ru ngủ chúng tôi”, Lionel Rambeaux, một thợ hàn 41 tuổi, cho biết.

Phong trào Áo vàng lan rộng vì quy tụ được nhiều người có chung cảm xúc giận dữ với Tổng thống Macron, dù lý do họ đưa ra không giống nhau. Điều này cũng khiến người biểu tình gặp khó khăn hơn trong việc thống nhất mục tiêu chung.

“Vẫn chưa chắc chắn rằng các biện pháp của chính phủ có thể dừng các cuộc biểu tình hay không. Nhưng có khả năng các biện pháp này sẽ chia rẽ phong trào biểu tình”, Jerome Sainte-Marie, lãnh đạo hãng thăm dò dư luận PollingVox, nhận định.

Jerome Fourquet, nhà phân tích tại hãng thăm dò dư luận IFOP, cho rằng nhiều người biểu tình nghi ngờ chính phủ đang tìm cách “hoãn binh” với họ và sau đó sẽ áp thuế trở lại.

Những tuyên bố (nhượng bộ) của họ đưa ra tương đối muộn. Họ có thể sẽ nhận được phản ứng khác nếu thông báo các biện pháp sớm hơn một tuần”, ông Fourquet nói.

Nổi lên từ một phong trào không có thủ lĩnh thông qua mạng xã hội, phong trào Áo vàng đã cố gắng trở nên có tổ chức hơn bằng cách bầu ra một phái đoàn gồm 8 người để đàm phán với chính phủ. Tuy nhiên, một số thành viên trong đám đông biểu tình đã không công nhận các đại diện này - những người được lựa chọn dựa trên hình thức bỏ phiếu qua Facebook. Trong khi đó, chính phủ Pháp cũng nhận thấy sự khó khăn trong việc đàm phán với phong trào Áo vàng.

Một nhóm những người biểu tình ôn hòa dự kiến gặp các quan chức tại Văn phòng Thủ tướng Philippe hôm 4/12, song rốt cuộc đã không tới. Họ nói rằng họ đã nhận được những lời đe dọa từ những đối tượng cứng rắn, phản đối việc đàm phán với chính phủ.

Theo Dân Trí