Những nguyên tắc cơ bản của BHXH
17/03/2009 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nội dung cụ thể trong từng Chương, Điều của Luật phải đảm bảo tuân thủ và thể hiện được những nguyên tắc cơ bản đã được quy định. Nguyên tắc của BHXH trong Luật BHXH được quy định tại Điều 5 gồm những nội dung sau
Nội dung cụ thể trong từng Chương, Điều của Luật phải đảm bảo tuân thủ và thể hiện được những nguyên tắc cơ bản đã được quy định. Nguyên tắc của BHXH trong Luật BHXH được quy định tại Điều 5 gồm những nội dung sau:
1. Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.
Nguyên tắc này được thể hiện trên các mặt sau: có đóng BHXH thì được hưởng chế độ; thời gian tham gia đóng BHXH nhiều, mức đóng góp cao thì mức trợ cấp ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, lương hưu, trợ cấp tử tuất và trợ cấp thất nghiệp được hưởng với mức cao và ngược lại. Tuy nhiên, với đặc tính của bảo hiểm thì chia sẻ giữa những người tham gia là không thể thiếu, nguyên tắc chia sẻ của BHXH được thể hiện ở tất cả các chế độ, nhưng rõ nết nhất là ở các chế độ: ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN và trợ cấp thất nghiệp (số đông người tham gia đóng góp để chi trả cho một số người không may rủi ro hoặc khi sinh sản).
2. Mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động. Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do người lao động lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.
Nguyên tắc này quy định người tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đóng BHXH theo tỷ lệ xác định trên cơ sở tiền lương, tiền công mà không đóng BHXH trên mức thu nhập thực tế như: tiền lươgn tăng thêm, các khoản phụ cấp khác (trừ phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề), thu nhập do lương tăng thêm, do thực hiện chế độ khoán sản phẩm đem lại… Việc quy định nguyên tắc này vừa đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp được ổn định, vừa đảm bảo cho thực hiện quản lý thu BHXH trong điều kiện thực tế hiện nay (việc xác định thu nhập của người lao động còn khó khăn). Đối với BHXH tự nguyện mức đóng BHXH được quy định trên cơ sở mức thu nhập do người tham gia lựa chọn tùy khả năng kinh tế của họ nhưng không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu, đây là quy định hợp lý nhằm thu hút và tạo điều kiện để đông đảo người lao động trong xã hội có thể tham gia BHXH.
3. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đóng BHXH.
Với nguyên tắc này, giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện có sự liên thông, đảm bảo cho người tham gia BHXH khi hết tuổi lao động có nhiều cơ hội được hưởng chế độ hưu trí do thời gian đóng BHXH được tính bằng tổng thời gian đóng BHXH của 2 loại hình. Tuy nhiên theo quy định của Luật BHXH thì trong cùng một thời điểm, người lao động chỉ được tham gia đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện.
4. QUỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần của BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.
Nguyên tắc này quy định quỹ BHXH được quản lý thống nhất và hạch toán theo các quỹ thành phần trên cơ sở công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích nhằm đảm bảo cho việc quản lý, đầu tư quỹ có hiệu quả và phục vụ cho công tác hạch toán, đánh giá tình hình cân đối quỹ để có điều chỉnh về chính sách cho phù hợp, đảm bảo cân đối thu – chi, điều chỉnh kịp thời khi các quỹ thành phần tạm thời bị mất cân đối, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH.
5. Việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH.
Với nguyên tắc này, việc thực hiện BHXH đối với người lao động phải được nghiên cứu để quy định cụ thể về hồ sơ, quy trình, thời hạn giải quyết sao cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia BHXH và khi giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
Nhìn chung những nguyên tắc của BHXH nêu trên đã thể hiện quan điểm và thể chế hóa đường lối của Đảng và Nhà nước về BHXH, đó là:
- Xây dựng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện những quy định trong pháp luật về BHXH hiện hành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời có tham khảo kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;
- Chế độ BHXH xây dựng mức hưởng trên cơ sở mức đóng và chia sẻ giữa những người tham gia BHXH nhằm góp phần thực hiện an sinh xã hội; bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa các đối tượng tham gia BHXH ở các thời kỳ khác nhau; bảo đảm quan hệ hài hòa giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH, các chế độ BHXH và loại hình BHXH; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiến trình công nghiệp hóa.
- Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được hạch toán tương ứng với từng nhóm chế độ; quản lý và sử dụng theo nguyên tắc cân đối thu - chi, bảo toàn và phát triển; được Nhà nước bảo hộ.
Báo BHXH số 48/2006
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...