Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động

17/03/2009 07:46 AM


Quyền và trách nhiệm củ người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi tham gia BHXH được quy định tại các Điều 17 và Điều 18 của Luật BHXH, cụ thể như sau:

Quyền và trách nhiệm củ người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi tham gia BHXH được quy định tại các Điều 17 và Điều 18 của Luật BHXH, cụ thể như sau:

1. NSDLĐ có các quyền:

- Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về BHXH;
- Khiếu nại, tố cáo về BHXH;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Với quy định trên, NSDLĐ được quyền từ chối thực hiện những yêu cầu không có quy định hoặc không đúng quy định của pháp luật về BHXH trong việc thực hiện BHXH từ NLĐ hoặc tổ chức BHXH như: về yêu cầu thu nộp BHXH trước thời hạn quy định; về thanh quyết toán chế độ ốm đau, thai sản; về lập hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ-BNN… Ngoài ra, có quyền khiếu nại với cơ quan BHXH và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra toà án về quyết định, hành vi của tổ chức BHXH khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình và có các quyền khác mà pháp luật cho phép có liên quan đến BHXH.

2. Trách nhiệm của NSDLĐ:

- Đóng BHXH theo quy định và hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ theo quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH;

- Bảo quản sổ BHXH của NLĐ trong thời gian NLĐ làm việc;

- Trả sổ BHXH cho NLĐ khi người đó không còn làm việc;

- Lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH;

- Trả trợ cấp BHXH cho NLĐ;

- Giới thiệu NLĐ trong đơn vị đi giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa khi bị TNLĐ-BNN và nghỉ hưu trước tuổi quy định do suy giảm khản năng lao động.

- Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông tin về việc đóng BHXH của NLĐ khi NLĐ hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;

- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Với các nội dung trên, trách nhiệm của NSDLĐ được quy định rất cụ thể và đầy đủ. Có thể tổng hợp theo các nhóm trách nhiệm là:

+ Nhóm liên quan đến việc đóng BHXH: Hàng tháng trích tiền để đóng BHXH theo quy định từ quỹ tiền lương của đơn vị để nộp cho cơ quan BHXH, trong đó bao gồm cả phần đóng góp của NSDLĐ và của NLĐ trong đơn vị để nộp cùng một lúc vào quỹ BHXH; từ 1/1/2009 thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, NSDLĐ thuộc đối tượng tham gia còn có trách nhiệm đóng bảo hiểm tự nguyện và trích từ tiền công, tiền lương của NLĐ theo đúng quy định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

+ Nhóm liên quan đến sổ BHXH: Thực hiện việc lập hồ sơ tham gia BHXH để cơ quan BHXH cấp sổ BHXH cho từng NLĐ trong đơn vị; bảo quản sổ BHXH trong thời gian NLĐ làm việc và khi NLĐ chấm dứt quan hệ lao động như: nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động, buộc thôi việc, chết… NSDLĐ có trách nhiệm lập thủ tục về BHXH và trả sổ BHXH cho NLĐ lưu giữ.

+ Nhóm liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ BHXH: Chi trả chế độ trợ cấp BHXH ốm đau, thai sản và trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản cho NLĐ trong đơn vị và quyết toán với tổ chức BHXH; lập hồ sơ hưởng các chế độ BHXH theo quy định của NLĐ trong đơn vị kịp thời, chuyển cho tổ chức BHXH giải quyết; Lập hồ sơ và giới thiệu NLĐ trong đơn vị bị TNLĐ-BNN và nghỉ hưu trước tuổi quy định đi giám định mức suy giảm khả năng lao động.

+ Nhóm liên quan đến việc cung cấp tài liệu, thông tin: Cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu; khi NLĐ hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu thì NSDLĐ có trách nhiệm cung cấp các thông tin về đóng BHXH của NLĐ.

Việc quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của NSDLĐ trong Luật BHXH không những là cơ sở để NSDLĐ thực hiện đầy đủ trách nhiệm cũng như xác định các quyền của mình mà còn là căn cứ pháp lý để NLĐ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH và là cơ sở pháp lý để giải quyết khi có khiếu nại, tố cáo về BHXH của NLĐ.

Báo BHXH số 50/2006