BHXH tự nguyện

16/03/2009 04:20 PM


Luật BHXH đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006. Ngoài loại hình BHXH bắt buộc, Luật BHXH còn quy định loại hình BHXH tự nguyện (TN) được thực hiện từ ngày 1/1/2008.

Luật BHXH đã được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006. Ngoài loại hình BHXH bắt buộc, Luật BHXH còn quy định loại hình BHXH tự nguyện (TN) được thực hiện từ ngày 1/1/2008.

BHXH TN trong Luật BHXH được quy định tại chương IV, từ Điều 69 đến Điều  79 và Điều 100, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đối tượng tham gia BHXH TN là tất cả công dân Việt Nam trong độ tuổi LĐ, mà không thuộc đối tượng đang tham gia đóng BHXH bắt buộc. Với quy định này, không nhất thiết người lao động (NLĐ) trong độ tuổi LĐ phải có việc làm mới được tham gia mà bao gồm cả những người trong độ tuổi LĐ nhưng không có khả năng LĐ, nhưng có nguồn thu nhập để đóng BHXH theo quy định.

Thứ hai: Chế độ mà người tham gia BHXH TN được hưởng gồm hưu trí và tử tuất, nội dung của các chế độ này về cơ bản quy định như đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là:

a. Chế độ hưu trí:

- Được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

Trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH (kể cả BHXH bắt buộc và BHXH TN) còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian qui định thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng.

- Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; tối đa bằng 75%.

Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

- NLĐ đã đóng BHXH trên 30 năm đối với nam, trên 25 năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm 31 trở đi đối với nam và năm thứ 26 trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- NLĐ được hưởng BHXH một lần khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc trường hợp ra nước ngoài để định cư. Mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

- NLĐ dừng đóng BHXH TN mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa nhận BHXH một lần thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

b. Chế độ tử tuất:

Có đủ 5 năm đóng BHXH trở lên hoặc đang hưởng lương hưu, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương tối thiểu chung và trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH đối với người đang đóng hoặc người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu đối với người đang hưởng lương hưu chết, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

Thứ ba: Luật BHXH quy định người LĐ đóng BHXH bắt buộc sau đó đóng BHXH TN thì thời gian đóng BHXH bắt buộc được cộng với thời gian đóng BHXH TN hoặc ngược lại để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Thứ tư: Mức đóng BHXH hàng tháng bằng 16% mức thu nhập NLĐ lựa chọn; từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%. Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXH được thay đổi tùy theo khả năng của NLĐ ở từng thời kỳ, nhưng thấp nhất bằng lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Người lao động được chọn các phương thức đóng theo hàng tháng, hàng quý hoặc 6 tháng một lần.

Quy định BHXH TN trong Luật BHXH đã đảm bảo công bằng về quyền được tham giam BHXH và hưởng BHXH đối với mọi NLĐ trong xã hội, đồng thời quy định liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH TN đã tạo điều kiện thuận lợi khi chuyển dịch LĐ, đảm bảo cuộc sống ổn định cả khi đang làm việc và khi ngừng việc, nhất là khi hết tuổi LĐ; đảm bảo từng bước ổn định xã hội và an sinh xã hội của đất nước.

Báo BHXH số 06/2007