Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội

16/03/2009 04:15 PM


Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì phạm vi điều chỉnh bao gồm các quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Luật BHXH không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì phạm vi điều chỉnh bao gồm các quy định về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội; tổ chức bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Luật BHXH không áp dụng đối với bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm mang tính kinh doanh.

Về đối tượng áp dụng của Luật BHXH bao gồm:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân; Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

3. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động được quy định tại điểm 4 nêu dưới đây.

4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại điểm 2 nêu trên có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự ngưyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc các đối tượng quy định điểm 1 nêu trên.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Với quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật BHXH nêu trên, có thể nhận thấy:

a. Quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH và quy định các loại hình bảo hiểm không thuộc phạm vi điều chỉnh.

b. Quy định đối tượng áp dụng bao gồm người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức, cá nhân có liên quan.

c. Đối với BHXH bắt buộc, ngoài đối tượng tham gia như quy định của chính sách BHXH hiện hành, có quy định thêm đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn được tham gia đầy các chế độ BHXH bắt buộc, nhất là chế độ hưu trí.

d. Quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu bị thất nghiệp và có đủ các điều kiện theo quy định thì được hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đây là nội dung mới trong chính sách BHXH nước ta, việc quy định về BH thất nghiệp trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay là phù hợp, đồng thời từng bước đàm bảo quyền lợi cho người lao động trong quá trình làm việc không may bị thất nghiệp.

e. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình BHXH lần đầu tiên ở nước ta được quy định trong hệ thống pháp luật về BHXH. Với quy định về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong Luật BHXH đã thể hiện sự công bằng về quyền được tham gia BHXH của mọi người lao động trong xã hội; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật BHXH là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động (không quy định nhất thiết phải có khả năng lao động) và không thuộc đối tượng đang tham gia BHXH bắt buộc, có nhu cầu được tham gia BHXH bắt buộc, có nhu cầu được tham gia BHXH để đảm bảo cuộc sống khi tuổi già.

Nhìn chung với quy định về phạm vi, đối tượng tham gia BHXH của Luật BHXH đã tạo điều kiện để mọi người trong độ tuổi lao động ở mọi tầng lớp dân cư trong xã hội được tham gia BHXH; đảm bảo ổn định cuộc sống cả khi đang làm việc và khi ngừng việc, nhất là khi hết tuổi lao động; đảm bảo từng bước ổn định xã hội và an sinh xã hội của đất nước.

Báo BHXH số 46/2006