Bảo đảm bình đẳng giới trong chính sách An sinh xã hội đối với lao động nữ

26/06/2020 07:16 AM


Đây là tinh thần của Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới đang dự thảo bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm khắc phục một số bất cập, vướng mắc khi triển khai Bộ luật Lao động (sửa đổi) - được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 – vào thực tế đời sống.

(Ảnh minh họa)

 

Sự cần thiết của việc ban hành Nghị định Quy định chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới như: Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (Điều 135 - 142); quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3); quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169)…

Đặc biệt, Điều 135 quy định chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, giao Chính phủ quy định chi tiết, bao gồm: Chính sách bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà; biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa giữa công việc và gia đình; chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế; kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động; mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách đối với lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Tuy nhiên, qua 04 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những mặt được, đã phát sinh một số vấn đề bất cập như: Nghị định số 85/2015/NĐ-CP chủ yếu quy định chi tiết các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về bảo vệ lao động nữ mà chưa chú trọng các quy định nhằm thể chế hóa chính sách của Nhà nước nhằm bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (như chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ,…); chưa có quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (như các quy định nhận diện hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; các biện pháp duy trì và xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục; trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống quấy rối trình dục tại nơi làm việc…).

Đặt mục tiêu cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ hơn nữa

Tại Dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất một số quy định như khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, được đào tạo thêm nghề dự phòng, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ và tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Riêng về chăm sóc sức khỏe, đề xuất:

- Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 Luật BHXH.

- Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày/tháng; thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; số ngày nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dung lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định trên, người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng cho thời gian nghỉ theo quy định, người lao động được thanh toán thêm tiền lương ít nhất bằng với tiền lương đã được hưởng đối với thời gian nghỉ và thời gian làm việc không được tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Nghị định Quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới - Dự thảo

Oanh Nguyễn