Suy nghĩ về đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân nhân ta

27/07/2011 07:31 AM


Qua học tập, quán triệt Cương lĩnh xây dựng đât nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), có nhiều nội dung rất sâu sắc. Trong đó một nội dung được khẳng định rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Qua học tập, quán triệt Cương lĩnh xây dựng đât nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), có nhiều nội dung rất sâu sắc. Trong đó một nội dung được khẳng định rõ: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Càng suy nghĩ, chúng ta càng thấy thấm thía và đầy ý nghĩa của sự lựa chọn này. Xuất phát từ những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh bôn ba khắp các châu lục đã rút ra kết luận và chỉ cho chúng ta rõ: Ở̉ đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác, vô nhân đạo, các dân tộc thuộc địa đều khổ đau; Trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Từ đ́ó, Người luôn trăn trở: Làm thế nào để trên thế giới bớt đi những bất công? Con đường nào để giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột?

Năm 1920, Hồ Chí Minh đã đọc “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Người đã sáng tỏ con đường cứu nước, cứu dân và đi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới ánh sáng của cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Chánh cương vắn tắt do Người soạn thảo đã chỉ rõ: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta đó là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân; chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển ở trình độ cao về văn hóa, đạo đức, một xã hội công bằng, mọi người có nghĩa vụ và quyền được lao động, hưởng theo lao động, các dân tộc bình đẳng. Chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; “Chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ”. Địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ.

Trên cơ sở thực hiện tư tưởng đó, quá trình Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, dân tộc Việt Nam đã lần lượt đánh thắng, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc và vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng và nhân dân ta vẫn phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa . Trong chặng đường 25 năm đổi mới, chúng ta thấy đất nước ta với biết bao đổi thay. Có lẽ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn và còn có những vướng mắc phải giải quyết, nhưng không ai có thể phủ định một thực tế, người dân lao động Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước, làm chủ xã hội. Cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Đất nước đã có vị thế trên trường thế giới.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh; Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thực hiện được ước mơ lâu đời của nhân dân lao động là vĩnh viễn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ đầy đủ, mới trả lại giá trị chân chính cho con người. Dân tộc ta đã trải qua hàng thế kỷ bị thực dân đế quốc đàn áp, nô lệ, thậm chí dìm trong bễ máu. Khổ cũng nhiều , đau cũng lắm, quyết không chịu làm nô lệ. Với biết bao người, hết lớp trước rồi đến lớp sau, không tiếc máu xương, dù có hy sinh cả tính mệnh đã vùng lên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do cho Tổ quốc. Chẳng lẽ giành được độc lập, tự do rồi lại quay về đường cũ hay sao?

Đảng ta cũng chỉ rõ: Hiện nay nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa tạo thời cơ phát triển, vừa tạo ra những thách thức gay gắt. Đặc điểm nổi bật nhất của thời đại là sự tồn tại của các nước với chế độ xã hội khác nhau, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ, phát triển tiến bộ dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ có những bước phát triển mới. “Theo quy luật của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”. Về nội tại, chúng ta phải quyết tâm khắc phục, vượt qua những nguy cơ: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội; âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Hãy tin tưởng tuyềt đối vào đường lối đúng đắn của Đảng ta, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành trung ương Đảng chúng ta nhất định thắng và thực hiện được mục tiêu cơ bản về xã hội xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011): “là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân lao động làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau cùng phát triển…”.

Thanh Vân