BHXH Gia Lai tiếp nhận và phát hành tờ rơi tuyên truyền Những điều cần biết khi đi khám chữa bệnh BHYT

21/07/2011 07:31 AM


Nhằm tăng cường tuyên truyền Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã cung cấp tờ rơi Những điều cần biết khi đi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố. BHXH tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận và phát hành 3000 tờ rơi cho các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn để người dân đi khám chữa bệnh tìm hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Nhằm tăng cường tuyên truyền Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã cung cấp tờ rơi Những điều cần biết khi đi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố. BHXH tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận và phát hành 3000 tờ rơi cho các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn để người dân đi khám chữa bệnh tìm hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ khi đi khám chữa bệnh BHYT. Tờ rơi đã nêu một số điều cần biết về BHYT bao gồm:

1. Phạm vi được hưởng: KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; khám để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh; thuốc, hóa chất, vật tư dịch vụ kỹ thuật y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định, vận chuyển bệnh nhân đối với một số nhóm đối tượng.

2. Quyền lợi khi tham gia BHYT: Khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được cơ quan BHXH thanh toán cho cơ sở KCB BHYT theo mức:

- 100% đối với người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng công an nhân dân; KCB BHYT tại tuyến xã và KCB BHYT từ tuyện huyện trở lên có tổng chi phí của một lần KCB dưới 15% mức lương tối thiểu chung.

- 95% đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp BHXH hằng tháng; người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (phần chênh lệch 5% đối tượng chi trả).

- 80% chi phí KCB BHYT cho các đối tượng khác (phần chênh lệch 20% đối tượng chi trả).

- Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn các đối tượng người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, lực lượng công an nhân dân; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác được hưởng nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu chung cho một lần sử dụng.

* KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu cghi trên thẻ hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) có trình thẻ BHYT được thanh toán 70% đối với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng, 50% đối với bệnh viện hạng II và 30% đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.

* KCB tại các cơ sở y tế chưa ký hợp đồng KCB BHYT; đi KCB không đủ thủ tục theo quy định thì người tham gia BHYT tự thanh toán với cơ sở y tế và được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp theo mức:

+ Đối với một đợt điều trị ngoại trú: 55.000 đồng với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng, 120.000 đồng đối với bệnh viện hạng II và 340.000 đồng đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.

+ Đối với một đợt điều trị nội trú: 450.000 đồng với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng, 1.200.000 đồng đối với bệnh viện hạng II và 3.600.000 đồng đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.

+ Một đợt KCB ở nước ngoài tối đa không quá 4.500.000 đồng.

* Điều trị ung thư, chống thải ghép phải sử dụng thuốc ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế, nhưng được phép lưu hành tại Việt Nam và theo chỉ định của cơ sở KCB thì được hưởng 50% chi phí theo mức quyền lợi đối với đối tượng tham gia BHYT liên tục 36 tháng trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ.

* Chi phí vận chuyển bệnh nhân từ bệnh viện tuyến huyện trở lên trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú nhưng vượt quá khả năng chuyên môn, được thanh toán theo định mức quy định đối với các đối tượng công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi; người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

3. Trách nhiệm của người đi KCB BHYT:

Sử dụng thẻ BHYT đúng mục đích, không cho mượn thẻ BHYT. Xuất trình thẻ BHYT có ảnh, nếu thẻ BHYT không có ảnh phải trình thêm giấy tờ tùy thân có ảnh, trẻ em dưới 6 tuổi nếu chưa có thẻ BHYT thì phải trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh; giấy chuyển viện đối với trường hợp chuyển viện; nếu khám lại phải có giấy hẹn khám lại. Thanh toán chi phí KCB ngoài phần chi phí do cơ quan BHXH chi trả. Chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy, quy định của cơ sở KCB.

Trước đó BHXH Gia Lai cũng đã tiếp nhận 18.000 tờ gấp “Những điều cần biết về BHXH bắt buộc” do BHXH Việt Nam phát hành nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHXH-BHYT tới các cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động, qua đó tích cực tham gia BHXH.

Thu Hoài