Cảm xúc tiếng chuông từ nơi an nghỉ của Anh hùng, liệt sĩ

20/07/2011 02:40 PM


Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2011), vào ngày 18 và 19/7/2011 tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ, đại biểu lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành cùng cùng các Chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni Hội Phật giáo trung ương, địa phương, hàng trăm bà con phật tử và người dân sinh sống trên địa bàn tổ chức Đại lễ cầu siêu

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2011), vào ngày 18 và 19/7/2011 tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ, đại biểu lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành cùng cùng các Chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni Hội Phật giáo trung ương, địa phương, hàng trăm bà con phật tử và người dân sinh sống trên địa bàn tổ chức Đại lễ cầu siêu, cầu an, thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh linh anh hùng liệt sĩ. Cũng trong dịp này đã đặt Đại hồng chung và đưa vào đảnh lễ hương hồn các anh hùng liệt sĩ. Được biết, Đại hồng chung do các nghệ nhân ở Huế thực hiện, nặng 7 tấn, kiểu dáng theo chuông đúc thời Triều đình nhà Nguyễn.

Có thể nói việc đặt Đại hồng chung tại nghĩa trang đó là sự kiện đặc biệt và mới ở tỉnh Gia Lai. Là người Việt Nam với văn hóa Việt, không ít người đã quen với tiếng chuông chùa rung động không gian, ngân dài trong tinh không của trời khuya thức tĩnh bao người. Vậy mà nay không chỉ có tiếng chuông vọng ra từ nhà chùa mà còn ngân vang từ nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ.

Trong âm thanh của gió đại ngàn với làn khói hương thơm nghi ngút bay lên từ những phần mộ Anh hùng, liệt sĩ, tiếng chuông ngân lên, rồi lạc mất vào cái không gian bao la của núi, rừng hùng vĩ, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng lại và dâng lên niềm xúc động. Trước cảnh Đại lễ cầu siêu trang nghiêm, các Chư tôn đức giáo phẩm cùng các lãnh đạo tỉnh bồi hồi xúc động, tay nhẹ nhàng đẩy chiếc vồ vào Đại hồng chung. Từng tiếng chuông ngân vang khiến cho bầu không khí trong trẻo của buổi sáng nơi miền biên giới thêm phần thanh sạch.

Thiết nghĩ giờ đây và mãi mãi về sau khi đến thắp nén nhang thơm trên phần mộ các Anh hùng, liệt sĩ chúng ta nghe tiếng chuông mà lòng người ở trần thế cũng như trút bỏ được những ưu tư, lo toan thường nhật. Hơn thế nữa, tiếng chuông ở đây luôn luôn là của phần hồn, của siêu thoát, của an nhiên tự tại khác hẳn với những gì trần tục, đời thường của người trong cõi vô thường.

Không chỉ dừng ở tâm linh, tiếng chuông ngân vang, vọng xa từ nghĩa trang liệt sĩ là vô cùng ý nghĩa: Ngoài việc thể hiện tinh thần phát huy truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; tấm lòng “tri ân các anh hùng liệt sĩ” của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà mà còn nhằm giáo dục thế hệ mai sau về sự hy sinh cao cả của các Anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc tuổi thanh xuân và xương máu của mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thanh Vân