Hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương và chế độ nâng bậc lương, phụ cấp lương của các Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp

06/07/2011 08:23 AM


Việc đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động theo thang lương, bảng lương trong Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP và được Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH

Việc đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động theo thang lương, bảng lương trong Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 5 Nghị định 114/2002/NĐ-CP và được Bộ lao động thương binh và xã hội hướng dẫn tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 thì doanh nghiệp cần phải làm hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động, cụ thể như sau:

1. Hồ sơ đăng ký thang lương, bảng lương gồm:

- Công văn đề nghị đăng ký;

- Hệ thống thang lương, bảng lương doanh nghiệp xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung;

- Bản quy định các tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc trong thang lương, bảng lương;

- Ý kiến tham gia của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời trong doanh nghiệp. 2. Phụ cấp lương: Doanh nghiệp được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với các công ty nhà nước để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm nghề, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện, môi trường lao động độc hại, nguy hiểm hơn nhưng chưa được xác định trong các mức lương của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng.

Doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.

3. Chế độ nâng bậc lương: Chế độ nâng bậc lương theo khoản 2, Điều 6, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP được quy định cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời xây dựng quy chế nâng bậc lương hàng năm trong doanh nghiệp. Quy chế nâng bậc lương phải bảo đảm công bằng, khuyến khích người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề giỏi có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp và công bố công khai trong doanh nghiệp.

Quy chế nâng bậc lương phải có các nội dung sau: Đối tượng được nâng bậc lương; Điều kiện và tiêu chuẩn nâng bậc lương và nâng bậc lương sớm đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc; Thời hạn nâng bậc lương đối với từng chức danh hoặc nhóm chức danh nghề, công việc; Thời điểm xét nâng lương hàng năm đối với người lao động.

- Căn cứ vào quy chế nâng bậc lương, hàng năm doanh nghiệp lập kế hoạch và tổ chức nâng lương đối với người lao động và công bố công khai trong doanh nghiệp.

- Chế độ nâng bậc lương đối với người lao động phải được thể hiện trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.

Minh Hòa