Phát triển BHXH tự nguyện, cần có những cơ chế và giải pháp phù hợp

20/04/2011 07:55 AM


Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách còn tương đối mới đối với nước ta, đã được qui định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và có hiệu lực từ 01/01/2008. Trong hơn 3 năm qua các ngành các cấp nói chung và ngành BHXH nói riêng đã tập trung nhiều công sức, kinh phí để triển khai công tác tuyên truyền, vận động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách còn tương đối mới đối với nước ta, đã được qui định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và có hiệu lực từ 01/01/2008. Trong hơn 3 năm qua các ngành các cấp nói chung và ngành BHXH nói riêng đã tập trung nhiều công sức, kinh phí để triển khai công tác tuyên truyền, vận động song nhìn chung người lao động nói riêng và người dân nói chung chưa hiểu biết nhiều về chính sách này, do vậy đa số chưa mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử, hàng năm BHXH Gia Lai vẫn căn cứ vào chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao để giao kế hoạch cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố, kế hoạch giao đều thể hiện yêu cầu tăng trưởng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như: điều chỉnh lương tối thiểu, đăng ký tăng mức đóng… nên trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được đôi khi không phản ánh chính xác sự tăng trưởng của quá trình triển khai thực hiện công tác này. Mặt khác, về đối tượng tham gia cũng chưa phản ánh đúng nhận thức và nhu cầu của người dân, tỉ lệ người lao động tự do tham gia rất ít mà hầu hết là những người đã có thời gian công tác tham gia BHXH song do nhiều lý do chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ theo qui định nên tham gia cho đủ thời gian để được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.
 
Tại thị xã An khê, công tác triển khai chính sách BHXH tự nguyện thực hiện từ năm 2007, trong hơn 3 năm BHXH thị xã đã tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã tổ chức các Hội nghị triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn. BHXH thị xã cũng tích cực phối hợp với Đài TT-TH và cơ quan VHTT và cấp ủy chính quyền xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh giao: Năm 2008 kế hoạch BHXH tỉnh giao là 03 người, số tiền trên 1,55 triệu đồng. BHXH thị xã đã vận động được 07 người tham gia, số tiền thu gần 4 triệu đồng, vượt 155%KH. Năm 2009 kế hoạch BHXH tỉnh giao là 10 người, số tiền là 11,3 triệu đồng. BHXH thị xã đã vận động được 34 người tham gia, số tiền thu trên 50,8 triệu đồng, vượt 348,7%KH. Năm 2010 kế hoạch BHXH tỉnh giao là 191,6 triệu đồng. BHXH thị xã đã vận động được 35 người tham gia, số tiền thu là 88,3 triệu đồng, đạt 46%KH song tăng so với năm 2009 là 173%. Và năm 2011 BHXH tỉnh giao cho BHXH thị xã là 37 người, số tiền là 126,7 triệu đồng, riêng quý I/2011, BHXH thị xã đã thu đủ 37 người và số tiền đã thu trên 24,4 triệu đồng. Như vậy, nếu nhìn tổng thể, hàng năm BHXH thị xã An khê đều thu vượt kế hoạch BHXH tỉnh giao và đạt mức độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên sau 3 năm nhìn lại, nếu đem so sánh số người tham gia và số tiền thu năm 2010 với năm 2008 thì thấy kết quả đạt được còn khá khiêm tốn: chỉ có 37 người tham gia trong đó có một vài năm là có tỉ lệ tham gia cao, còn tỉ lệ tham gia hàng năm đều rất thấp và tỉ lệ tăng thu hàng năm chủ yếu do điều chỉnh lương tối thiểu, đăng ký tăng mức đóng…

Vậy, lý do nào có thể giải thích cho tình trạng trên?

Trước hết có thể nói ngay rằng: công tác triển khai, tuyên truyền vận động rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cấp các ngành đều đã vào cuộc nhưng một phần nào cũng còn chưa nắm được đầy đủ ý nghĩa, mục đích cũng như nội dung của chính sách nên trong quá trình triển khai tuyên truyền còn chưa thường xuyên, chưa có trọng tâm trọng điểm và chất lượng chưa cao. Đối với ngành, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nhưng kinh phí quá ít ỏi nên các hình thức, phương pháp tuyên truyền còn đơn điệu, không có các pano, apphic… tuyên truyền trực quan, không có kinh phí để phối hợp với Đài TT-TH, ngành VHTT tổ chức tuyên truyền. Đối với cơ sở, do không có kinh phí hỗ trợ tuyên truyền nên công tác tuyên truyền vận động ở cơ sở phần nào còn phó mặc cho cấp ủy và chính quyền. Các đại lý BHYT tự nguyện cũng không được giao nhiệm vụ thu BHXH tự nguyện…ở cơ quan BHXH thị xã, do thiếu cán bộ nên cũng không thể bố trí một cán bộ chuyên về công tác BHXH tự nguyện mà phải bố trí kiêm nhiệm nên việc đầu tư thời gian, công sức cho công tác tuyên truyền vận động cũng như tiếp cận các đối tượng để vận động tham gia hầu như không thực hiện được. Từ đó, các nội dung cơ bản của chính sách khó và chậm đến được với người dân.

Trong tương lai, BHXH tự nguyện sẽ là công tác trọng tâm của ngành vì đa số người lao động trong độ tuổi không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc sẽ trở thành đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trên địa bàn An Khê hiện nay có 34.400 lao động trong độ tuổi, chiếm 52% dân số nhưng mới có gần 4.000 người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và như vậy số lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là 30.400 người, nhưng hiện nay sau 3 năm thực hiện mới chỉ có 37 người tham gia, chiếm tỉ lệ 0,12%. Như vậy nếu cứ theo tiến độ trên sẽ phải mất bao nhiêu năm để vận động hết số lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện?

Tính toán như vậy không phải là để nêu lên những khó khăn để thoái thác nhiệm vụ mà là để xem xét đề ra những giải pháp khả thi hơn cũng như có những biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ cần thiết để từng bước tháo gỡ, đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Để việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện được thuận lợi, xin đề xuất một số giải pháp sau:

1-Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai cũng như tuyên truyền vận động tham gia BHXH tự nguyện. Cần xác định đây là một chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với người lao động nhằm thực hiện các nội dung nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng là : Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội hướng tới mục tiêu ổn định, nâng cao đời sống người dân. Do vậy, trong xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương cần chú trọng đến việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện, nên đưa chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện thành một nội dung trong Nghị quyết của HĐND các cấp và Kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và cơ sở hàng năm.

2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai Luật BHXH về BHXH tự nguyện, xác định việc tổ chức học tập Luật BHXH là nhiệm vụ của Hội đồng giáo dục pháp luật của địa phương và cơ sở. Tăng cường công tác giám sát thực hiện pháp luật nói chung và Luật BHXH nói riêng của Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương và của HĐND các cấp. Hàng năm các địa phương và ngành BHXH cần bố trí một khoản ngân sách để tổ chức công tác triển khai tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Kết hợp tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn tới từng tổ dân phố, thôn làng để độ ngũ cán bộ các cấp đều có thể nắm chắc nội dung của Luật mà tổ chức tuyên truyền vận động, đảm bảo mọi người dân đều biết và nắm được những nội dung cơ bản của chính sách BHXH tự nguyện.

3- Cần bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp đáp ứng yêu cầu triển khai, tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trước mắt mỗi huyện thị xã thành phố phải bố trí từ 01-02 cán bộ chuyên quản về BHXH tự nguyện. Mặt khác, nên mạnh dạn giao thêm nhiệm vụ tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và tổ chức thu BHXH tự nguyện cho hệ thống đại lý BHYT tự nguyện (ở An khê hiện nay hệ thống đại lý đang hoạt động rất hiệu quả) và có qui định chế độ thù lao hoặc hoa hồng đại lý sao cho phù hợp để các đại lý yên tâm và tích cực triển khai chính sách tại địa bàn.

Với những biện pháp cụ thể và hợp lý, mong rằng trong thời gia tới công tác BHXH tự nguyện sẽ có những bước phát triển mới, góp phần ổn định tình hình KT-XH tại địa phương.

Sông Ba