Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH, BHYT

19/03/2011 03:22 PM


Từ thực tiễn 4 năm thực hiện Luật BHXH, hơn 1 năm thực hiện Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung... Đó là những nội dung chủ yếu đã được trao đổi tại Hội thảo tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT được tổ chức ngày 18/3/2011 do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chủ trì với sự tham gia của các Ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành chức năng.


 
Người lao động cần chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền được tham gia BHXH, BHYT của bản thân mình. (Ảnh minh họa)
Từ thực tiễn 4 năm thực hiện Luật BHXH, hơn 1 năm thực hiện Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung... Đó là những nội dung chủ yếu đã được trao đổi tại Hội thảo tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT được tổ chức ngày 18/3/2011 do Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chủ trì với sự tham gia của các Ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành chức năng.

 
Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH cho người lao động
Theo phản ánh của cơ quan BHXH: Thời gian qua, nhiều đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp đã tìm cách lách Luật, tham gia BHXH cho không đủ số lao động, không đúng mức thu nhập thực tế của người lao động, nợ đọng BHXH kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ cho người lao động khi có phát sinh... Ý kiến này được đa số đại biểu tham dự thảo luận đồng tình và thống nhất cần có những chế tài mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo việc thực thi chính sách. Cụ thể như với quy định "Mức lương làm căn cứ đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động" đối với người lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nhiều chủ sử dụng lao động đã tìm cách lách Luật bằng cách ghi mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với mức lương thực tế, khoản thu nhập chênh lệch được đưa vào các loại phụ cấp khác. Do không hiểu rõ và đầy đủ về chính sách, mặt khác do sức ép việc làm, hầu hết người lao động đồng thuận với chủ sử dụng lao động trong việc trốn tránh tham gia BHXH đúng mức thu nhập thực tế. Chỉ đến khi phát sinh giải quyết chế độ, nhận đồng trợ cấp BHXH tương ứng với mức đóng, thấp hơn nhiều mức thu nhập thực tế, người lao động mới thấy hết thiệt thòi thì đã muộn.
Một thực tế đã được các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh nhiều, cơ quan BHXH cũng đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết. Đó là tình trạng nợ BHXH kéo dài. Việc tính lãi chậm nộp BHXH hầu như không có tác dụng răn đe vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp lãi cho cơ quan BHXH vì lãi chậm nộp quá thấp. Doanh nghiệp nợ BHXH, quỹ BHXH thất thu, nhưng thiệt thòi nhất vẫn là người lao động vì khi phát sinh chế độ ngắn hạn sẽ không được giải quyết. Đa số đại biểu dự Hội thảo tán thành phương án: Nên quy định việc truy đóng đối với đơn vị nợ đọng, chậm đóng, trốn đóng BHXH phải truy đóng số tiền của cả quỹ ngắn hạn (quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp) và quỹ dài hạn (hưu trí, tử tuất), đồng thời cần có quy định ràng buộc, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động: Trong thời gian chậm đóng, nợ đọng, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ trợ cấp ngắn hạn cho người lao động khi có phát sinh. Đồng thời việc tính lãi chậm đóng BHXH phải được tính theo số lũy kế, tiền lãi của tháng chậm đóng sau phải được tính trên tổng số nợ cộng với lãi chậm đóng phát sinh của tháng trước (lãi kép) mới đủ sức răn đe đối với các đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài.
Mở hơn các quy định về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với nhiều biện pháp tuyên truyền phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung, nhiều người dân đã nắm được những nguyên tắc cơ bản của BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, với các quy định như hiện nay, nhiều đối tượng có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí không được đáp ứng. Ví dụ như người hết tuổi lao động có thời gian tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 15 năm; người có tổng thời gian tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện từ đủ 15 năm trở lên nhưng đã hết tuổi lao động,... có nguyện vọng tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí nhưng không đáp ứng được yêu cầu về tuổi đời... Người tham gia BHXH bắt buộc đang nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày có nguyện vọng được tham gia BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động cũng chưa được điều chỉnh trong Luật. Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đa số ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí nên mở rộng hơn các quy định về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Bảo hiểm thất nghiệp: Ngân sách địa phương còn chậm
Là chính sách mới được triển khai từ 01/01/2009, trong giai đoạn đầu do vướng mắc về đối tượng tham gia (một số đơn vị không phân biệt rõ công chức và viên chức, còn nhầm lẫn giữa cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp). Sau khi Bộ lao động Thương binh&Xã hội ban hành Nghị định số 32/2010/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN, vướng mắc này đã cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, theo phản ánh từ cơ sở, nhiều địa phương chưa bố trí kịp thời khoản kinh phí 1% đóng BHTN cho đơn vị hành chính sự nghiệp và phần hỗ trợ 1% từ ngân sách địa phương vẫn với lý do đối tượng chưa rõ ràng.
Luật Bảo hiểm y tế: Một số quy định chưa rõ ràng, còn chồng chéo
Những quy định về việc cấp thẻ BHYT cho những đối tượng thuộc ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng phí còn nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong công tác quản lý và phân bổ quỹ KCB BHYT.
Đối với nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, do có thể dùng các loại giấy tờ khác để khám, chữa bệnh nên còn nhiều trẻ em không có thẻ. Hệ lụy của vấn đề này là việc truy thu số tiền cấp thẻ gặp khó khăn; trẻ em dưới 6 tuổi có thể sử dụng giấy khai sinh đi KCB tại nhiều nơi trong cùng thời điểm, đi trái tuyến, vượt tuyến,... gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong công tác quản lý và phân bổ quỹ BHYT, dẫn đến tình trạng quá tải ở các tuyến trên.
Công tác rà soát và phê duyệt đối tượng người nghèo, cận nghèo của Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cấp thẻ và quyền lợi của đối tượng không được đảm bảo; đối tượng cận nghèo đời sống khó khăn nên ít có điều kiện tự đóng phần kinh phí còn lại để có thẻ BHYT...
Một đại diện của Bộ Tài chính đưa ra ý kiến: Từ 01/01/2012 sẽ tiếp tục thực hiện BHYT bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng. Trong đó, đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Vậy Bộ LĐTB&XH cần sớm có hướng dẫn để có thể triển khai được kịp thời./.

Theo TC BHXH