Để chính sách bảo hiểm y tế đến được với người cận nghèo

16/12/2010 07:50 AM


Hơn một năm trước, Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực thi hành. Đây được coi là chính sách góp phần giúp cho những người nghèo tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Mục tiêu đặt ra là đến 2014, sẽ thực hiện BHYT toàn dân, nhưng cho đến nay ở nhiều địa phương, con số người cận nghèo tham gia BHYT còn rất khiêm tốn…

Hơn một năm trước, Luật Bảo hiểm Y tế có hiệu lực thi hành. Đây được coi là chính sách góp phần giúp cho những người nghèo tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Mục tiêu đặt ra là đến 2014, sẽ thực hiện BHYT toàn dân, nhưng cho đến nay ở nhiều địa phương, con số người cận nghèo tham gia BHYT còn rất khiêm tốn…
Khamchuabenh.jpg
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau hơn một năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), chính xác từ tháng 7-2009, đến nay cả nước vẫn còn 53/63 tỉnh, thành chưa triển khai được BHYT cho người cận nghèo. Điều đáng nói, trong số hàng chục triệu người cận nghèo hiện nay thì chỉ có khoảng hơn 1 triệu người cận nghèo (gần 10%), tham gia BHYT. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT chỉ đạt 1,2-1,5%. Đơn cử ngay tại thủ đô Hà Nội, với gần 400.000 đối tượng thuộc hộ cận nghèo nhưng đến nay mới chỉ có hơn 500 người tham gia BHYT. Tại Lạng Sơn, con số đó cũng mới chỉ là gần 700 người. Tại Yên Bái, cuối năm 2009 có khoảng 39.000 đối tượng cận nghèo, nhưng đến hết tháng 6-2010 cũng mới chỉ có 3000 đối tượng tham gia. Nam Định cũng không khả quan hơn, tính đến hết tháng 9-2010 mới chỉ có 1.487 người tham gia, chiếm trên 1% so với tổng số đối tượng cận nghèo toàn tỉnh, số thu chỉ gần 200 triệu đồng. Bắc Ninh, một trong những địa phương đầu tiên dành ngân sách địa phương hỗ trợ tới 70% cho đối tượng cận nghèo trước khi thực thi Luật BHYT. Song tới thời điểm hiện nay, tỉnh cũng mới chỉ có khoảng 3.500 đối tượng tham gia, chiếm gần 12% tổng số đối tượng cận nghèo.

Theo lãnh đạo nhiều địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối tượng cận nghèo không tham gia BHYT là do khó khăn về kinh tế và hạn chế về nhận thức. Ông Trần Đức Trường - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội và Dân tộc tỉnh Hoà Bình cho biết: hơn một năm qua, Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi cho người cận nghèo, tuy nhiên do nhận thức cùng với kinh tế còn khó khăn nên người cận nghèo chưa mấy mặn mà. Đồng quan điểm, bà Đặng Thị Minh - Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho biết: mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ trên 50% khi tham gia BHYT, song mức đóng còn lại (gần 200 nghìn đồng) vẫn là số tiền lớn so với mức thu nhập của người cận nghèo. Theo tiêu chí, mức thu nhập của người cận nghèo được xác định bằng 130% mức thu nhập của người nghèo, tương đương khoảng 250 nghìn đồng/tháng. Nếu tham gia BHYT đồng nghĩa với việc phải tiêu tốn tới gần một tháng thu nhập. Do vậy, họ chỉ thực sự quan tâm đến BHYT khi sức khỏe của họ “trục trặc”.  Ngoài ra, tâm lý trông chờ vào tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn nghèo để được trở thành hộ nghèo. Lúc đó họ nghiễm nhiên được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua thẻ.

Trước thực trạng trên, với mong muốn tất cả người cận nghèo có BHYT, một số tỉnh đã vận dụng “cách làm mới” bằng cách tạm ứng tiền từ Quỹ vì người nghèo do UBMTTQ tỉnh quản lý để hỗ trợ cho những đối tượng này. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công cũng không được mỹ mãn lắm. Điển hình, mới đây UBMTTQ tỉnh Bến Tre đã “thắt lưng buộc bụng” ứng gần 2 tỷ đồng từ Quỹ vì người nghèo đóng 20% kinh phí mà người thụ hưởng phải góp. Theo đó, gần 60.000 thẻ BHYT được chuyển về xã, phường, thị trấn để cấp cho dân. Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người cận nghèo được nhận thẻ và tỉnh cũng mới thu được hơn 100 triệu đồng.

Trước tình trạng còn quá ít người cận nghèo tham gia mua BHYT, mới đây Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị khởi động Dự án dành 75 triệu USD để hỗ trợ y tế các tỉnh phía Bắc Trung bộ. Theo đó, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế sẽ được Bộ Y tế hỗ trợ tới mức 80% giá trị thẻ BHYT (50% giá trị thẻ do Nhà nước hỗ trợ, 30% giá trị thẻ được dự án hỗ trợ). Người cận nghèo chỉ phải bỏ số tiền rất nhỏ còn lại khoảng 20% giá trị thẻ BHYT. 

Thiết nghĩ, để chính sách đến được với người dân và để người dân hiểu được ý nghĩa thực sự của tấm thẻ BHYT, cần phải tăng cường tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời các chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT phải thiết thực và khả thi hơn nữa từ phía các cơ quan liên ngành cũng như chính quyền địa phương. Bên cạnh đó các cơ quan liên ngành cần phải chủ động đưa ra các biện pháp thực hiện phù hợp với đặc thù từng địa phương để người cận nghèo có cơ hội thụ hưởng chính sách BHYT.

Theo BHXH VN