Chính sách Bảo hiểm xã hội trong hệ thống an sinh xã hội

10/02/2010 08:48 AM


Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình phát triển của xã hội và xu thế hội nhập, nhu cầu của con người ngày càng đa dạng, phong phú.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình phát triển của xã hội và xu thế hội nhập, nhu cầu của con người ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, những khả năng rủi ro xã hội cũng có chiều hướng gia tăng theo sự phát triển chung của xã hội như thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thất nghiệp…tác động trực tiếp đến người lao động nói chung, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện, đã giải quyết cơ bản vấn đề rủi ro xã hội, tạo điều kiện và góp phần đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững. Hệ thống an sinh xã hội ở nước ta được cấu thành bởi ba hệ thống là: Hệ thống Bảo trợ xã hội, Hệ thống Ưu đãi xã hội và Hệ thống Bảo hiểm xã hội. Trong đó hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) phát huy vai trò trụ cột và bền vững nhất trong hệ thống an sinh xã hội.

BHXH là một trong những chính sách cơ bản thể hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng và tiến bộ xã hội, các chính sách BHXH đều hướng vào con người, ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Bản chất của BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng góp vào quỹ BHXH. Chính sách BHXH hoạt động trên nguyên tắc cơ bản là có đóng BHXH mới được hưởng các chế độ BHXH, mức hưởng BHXH được xác định trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Trong hoạt động BHXH, Nhà nước tiến hành xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, chế độ BHXH; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về BHXH; tuyên truyền, phổ biến chính sách, chế độ, thực hiện công tác thống kê, thông tin về BHXH; tổ chức bộ máy thực hiện BHXH và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan BHXH trong việc thực hiện các chế độ BHXH cho người lao động. Đồng thời giám sát quá trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người tham gia BHXH theo quy định của pháp luật.

Từ khi Luật BHXH ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc (từ ngày 01/01/2008 đối với BHXH tự nguyện và từ ngày 01/01/2009 đối với bảo hiểm thất nghiệp), chính sách BHXH đã đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu tham gia của người lao động. Một mặt, Luật BHXH khắc phục được những bất cập, vướng trước đó, mặt khác Luật còn mở rộng đối tượng và quyền lợi hưởng BHXH đối với người tham gia BHXH, các chế độ BHXH được mở rộng và ngày càng linh hoạt hơn với nhiều loại hình bảo hiểm như: BHXH bắt buộc (gồm 05 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; ngoài ra người lao động tham gia BHXH còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo quy định); BHXH tự nguyện (gồm 02 chế độ: hưu trí, tử tuất); bảo hiểm thất nghiệp, ngoài trợ cấp thất nghiệp, người thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức BHXH đóng bảo hiểm y tế. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích, an toàn và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần bao gồm quỹ BHXH bắt buộc, quỹ BHXH tự nguyện và quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư quỹ và các biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHXH, đồng thời quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, không bị phá sản.

Mục tiêu hoạt động của BHXH là thực hiện chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần ổn định và đảm bảo an toàn xã hội. Các chính sách, chế độ BHXH tác động trực tiếp đến bản thân người lao động và những thành viên trong gia đình của họ. Các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, các tổ chức khác có liên quan theo quy định của pháp luật và tổ chức BHXH có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động tham gia BHXH.

Tuy là một chính sách xã hội nhưng BHXH cũng là một công cụ của Nhà nước tham gia vào việc phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý giữa các tầng lớp dân cư. Bởi vì, nguyên tắc BHXH, ngoài việc có tham gia BHXH mới được hưởng các chế độ BHXH thì còn có sự chia sẻ giữa những người tham gia, thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “cộng đồng chia sẻ rủi ro” và đó cũng chính là bản chất nhân văn, nhân đạo của các chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước ta. Về cơ bản, nguồn kinh phí để thực hiện chính sách BHXH do người sử dụng lao động và người lao động tham gia đóng góp, Nhà nước bảo hộ, đảm bảo cho quỹ BHXH không bị phá sản đã giảm bớt được một phần kinh phí Ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, nhưng Nhà nước vẫn thực hiện được mục tiêu an sinh xã hội bền vững, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiến Mạnh