Uống nước nhớ nguồn

01/02/2010 09:20 AM


Ngày 27/1/2010 tôi theo chân các Cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sỹ hy sinh tại Chư Prông - Gia Lai, đoàn gồm các ông Quách Đình Lanh, Nguyễn Trọng Hải, Nguyễn Trọng Thắng và Nguyễn Thanh Bình, tất cả đều là lính đặc công xê 2 (đại đội đặc công tiểu đoàn 19 sư đoàn 320) tuổi đời trên dưới 60 tuổi, tóc điểm bạc nhưng còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

Ngày 27/1/2010 tôi theo chân các Cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sỹ hy sinh tại Chư Prông - Gia Lai, đoàn gồm các ông Quách Đình Lanh, Nguyễn Trọng Hải, Nguyễn Trọng Thắng và Nguyễn Thanh Bình, tất cả đều là lính đặc công xê 2 (đại đội đặc công tiểu đoàn 19 sư đoàn 320) tuổi đời trên dưới 60 tuổi, tóc điểm bạc nhưng còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh, các ông vừa trải qua chặng đường dài trên 200 km từ Đắc Lắc sang Chư Prông với nhiệm vụ tìm mộ chí, vẽ sơ đồ để thông báo cho Ban liên lạc Cựu chiến binh xê 2 tổ chức di dời hài cốt đồng đội về quê an táng .
 
 

Nghĩa trang Chư Prông nơi quy tập 1800 mộ liệt sỹ nơi an nghỉ của những người con anh hùng, những người làm lên chiến thắng Ia Drăng oai hùng, trận đánh được xem là trận đụng độ quy mô lớn đầu tiên giữa quân chủ lực Mỹ và lực lượng chính quy của quân giải phóng Miền nam Việt Nam, trận đánh mở màn cho chiến dịch Tây nguyên lịch sử. Dưới cái nắng chói chang giữa mùa khô Tây nguyên, mồ hôi chảy dài trên má, các ông hăm hở đi từng hàng, từng lối tìm lại bạn bè xưa, những người đã cùng họ sát cánh chiến đấu anh dũng hy sinh và nằm lại đất này. Lần lượt từng mộ, từng mộ họ tìm kiếm và ghi chép, khi thấy thêm 1 người là cả 4 người ào tới:

Thằng Lợi đây rồi (Liệt sỹ Nguyễn Quang Lợi quê ở Thái Thụy- Thái Bình);

Đây Thằng Đường (Liệt sỹ Nguyễn Văn Đường quê ở Tân Kỳ nghệ An);

Chiến là thằng nào nhỉ - Thằng Chiến cao cao trăng trắng bên B1 đó; Đây là mộ thằng Phúc liên lạc của ông Cấp;

Bữa trước tìm mãi không thấy thằng Vượng, nay thấy rồi này;

Có ông nào tìm thấy thằng Tụy chưa (Liệt sỹ Lương Khánh Tụy quê Hải Dương) - tiếng ông Lanh, chính tôi cõng nó ra và nó chết trên vai tôi, còn nhớ chôn nó ở đồn tầm gần gốc cây to, chỗ ấy dốc lắm.

Kia là thằng Nguyện (Liệt sỹ Vũ Văn Nguyện, quê ở Tiền Hải -Thái Bình)

Thằng Thùy Mập Xê 1 đây (Đại đội 1);

Đại đội trưởng Lạc đây này (Liệt sỹ Nguyễn Trọng Lạc - Đại đội trưởng đại đội 2 quê Chương Mỹ- Hà Tây ) ;

Sao thằng Hàm lại có 2 mộ. Mộ ở đằng kia bia ghi Mai Đức Hàm, mộ này bia ghi ghi Mai Đắc Hàm cùng quê, cùng ngày hy sinh; à phải rồi hôm đó chết 3 đứa, thằng Hàm, thằng Thoắng và 1 thằng nữa, có ai nhớ tên thằng đó không, chắc 1 trong 2 mộ đó là mộ ghi tên Hàm là của thằng đó; không sợ lộn đâu, hôm chôn thằng Hàm tao còn bỏ vào mộ cái lọ bi xi lin (penicyline ) trong có tờ giấy ghi họ tên quê quán mà khi nào bốc lên sẽ biết –Tiếng ông Bình .

Thằng Lý, thằng Thư nằm sát nhau này – Tiếng ông Hải ….
 
 

Cứ thế, cứ thế tiếng reo lại vang lên khi tìm thêm 1 mộ đồng đội. Các cú điện thoại của đồng đội từ Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp liên tục gọi tới, điện thoại từ đoàn công tác gọi về các tỉnh xác nhận thông tin, có 31 liệt sỹ được ghi vào danh sách. Rồi họ tha thẩn, tha thẩn mãi khu mộ vô danh với hy vong mong manh tìm 3 người hy sinh chưa thấy mộ. Ký ức tràn về, các ông như thấy sống lại những ngày trai trẻ, những ngày đánh Mỹ trường kỳ và gian khổ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, từng trận đánh, từng kỷ niệm vui buồn, những mất mát đau thương lần lượt dội về. Đời lính đặc công hầm là nhà, củ mỳ, rau rừng là đồ ăn chính, ban ngày ngủ, ban đêm công đồn trừ khử ác ôn. Ông Nguyễn Thanh Bình bồi hồi kể trận chiến tại đồn Tầm, một bốt chấn giữ của địch trên đường 14 gần Quận lỵ Thanh An: Trận ấy ta thắng lớn sau khi pháo ta liên tục nã đạn vào đồn, bộ đội đặc công tràn vào đánh giáp lá cà,vũ khí chủ yếu là dao găm, địch sợ hãi rút xuống các hầm trú ẩn, ta ném bộc phá xuống hầm thằng nào ngoi lên là dùng dao hạ gục ngay …

Tuy mang trên mình nhiều thương tích nhưng họ là những người may mắn trở về trong niềm thương yêu vô hạn của người thân và bè bạn. Cuộc sống thường ngày còn nhiều gian khó nhưng trong lòng họ luôn hướng về đồng đội những người đã anh dũng hy sinh và nằm lại đất này. Họ muốn làm thật nhiều cho những người đã mất,có dịp là họ sẵn sàng lên đường đi tìm đồng đội. Ông Quách Đình Lanh hiện là Giám đốc BHXH tỉnh Đắc Lắc và ông Nguyễn Trọng Thắng cán bộ đã nghỉ hưu là những người nhiều lần đến Chư Prông tìm đồng đội, thăm lại chiến trường xưa. Nhiều khi mấy ông quay sang hỏi tôi điểm cao 671 nằm ở đâu, đồn Tầm ở chỗ nào… cậu ở đây lâu rồi có biết không, tôi lắc đầu chịu thôi bởi những địa danh quân sự ngày ấy giờ đây đã là những làng, những xã, những cánh rừng cao su, cà phê, lớp hậu sanh chúng tôi sao mà biết được .

Ít may mắn hơn, anh Đặng Đình Thuận cán bộ phòng Tố chức BHXH thành phố Hà nội ngày 13/1/ 2010 mới tìm thấy mộ người cha hy sinh tại nghĩa trang Chư Prông sau 43 năm mong chờ và tìm kiếm.
 
 

Anh Thuận bùi ngùi kể lai: Năm 1962 cha tôi đi bộ đội, khi ấy tôi chưa tròn 1 tuổi, ông đi không có đến 1 lần ghé về thăm nhà. Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, một mình mẹ tần tảo nuôi con, càng lớn tôi càng cảm nhận sự thiếu thốn tình cảm, thiếu bàn tay chăm sóc của người cha, có những lần đi học bị bắt nạt chạy về mách, mẹ chỉ biết khóc, tôi mong mỏi cha về. Hình ảnh người cha tôi chỉ cảm nhận được từ những tấm hình. Rồi đau thương đè lên đôi vai gầy của mẹ khi mẹ con tôi nhận được tấm giấy báo tử cùng những kỷ vật gồm 1 chiếc lược, chiếc ví trong đó có 3 tấm ảnh cha mặc trang phục quân giải phóng miền Nam. Mẹ tôi không còn nước mắt để khóc nữa, đau thương vô hạn. Có lẽ chỉ người trong hoàn cảnh như tôi mới thấy tình phụ tử sâu nặng đến nhường nào, tôi thầm hứa sẽ tìm bằng được mộ cha dẫu biết cha mình hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

38 năm qua kể từ khi nhận được giấy báo tử liệt sỹ Đặng Đình Phác quê quán Chương Mỹ- Hà Đông hy sinh ngày 20/12/ 1967 tại mặt trận phía Nam, anh Thuận đã liên tục tìm kiếm thông tin từ Vụ Chính sách Bộ Quốc phòng, tìm kiếm thông tin từ đồng đội song càng ngày càng “bặt vô âm tín”. Qua người bạn giới thiệu anh tìm đến Trung tâm tìm kiếm liệt sỹ bằng ngoại cảm và được nhà ngoại cảm tên Hằng người Thái bình giúp đỡ.

Ngày 10/1/2010, theo sơ đồ chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, anh Thuận cùng vợ mang ba lô, giày thể thao cùng các loại thuốc chống vắt, chống muỗi vào huyện Chư Prông tìm mộ cha với tâm trạng vừa bồi hồi vừa lo lắng, chị Liễu (vợ anh Thuận) thì luôn miệng cầu khấn linh hồn ông cụ phù hộ để vợ chồng chị tìm được cha thân yêu. Tra cứu hồ sơ nghĩa trang và trong 6 dãy mộ dài trên 1.700 ngôi mộ khắc bia có tên không bia nào có tên Liệt sỹ Đặng Đình Phác quê ở Chương Mỹ -Hà Tây. Suốt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều lăn lộn tìm kiếm, thông tin đi, thông tin lại giữa đoàn tìm kiếm và nhà Ngoại cảm vẫn không có kết quả nào mặc dù nhà Ngoại cảm đã chỉ chính xác đường đi, lối lại, bố cục của nghĩa trang, vị trí của mộ song không thể tìm thấy ngôi mộ thứ 19 vì mỗi dãy tính theo hàng ngang chỉ có 15 mộ, nhiều người đã nản chí còn anh Thuận thì vẫn quyết tâm, linh tính mách bảo “con đến chỗ cha nằm rồi đấy”. 4h30 phút chiều theo chỉ dẫn của ông Hằng, gia đình đã tìm được ngôi mộ thứ 19 thì ra trước đó không có đường cắt dọc dãy mộ cuối cùng. Ngôi mộ được xác định mộ liệt sỹ Đặng Đình Phác nằm trong khu vực phần đông là mộ liệt sỹ Vô danh.
 
 

Lễ nhận mộ được tổ chức trang nghiêm, vợ chồng anh Thuận thành kính quỳ lạy trước mộ cầu khấn linh hồn của người trong mộ nếu đúng là ông Đặng Đình Phác thì ứng cho quả trứng gà (trứng sống) đậu trên đầu đũa cắm trên mộ, hai lần trứng đều rơi, mọi người lo lắng, điện về gặp nhà Ngoại cảm thì nhận được lời khuyên hãy kiên nhẫn cầu xin vì cha đang giận các con đi tìm cha sao giờ mới tới. Thì ra trước khi đến đây vợ chồng anh Thuận đi Kon Tum thăm Bà Cô (chị ruột của liệt sỹ Phác) 2 ngày rồi mới tới tìm mộ. Quả nhiên sau lời khấn nhận lỗi quả trứng thứ 3 sau chút dao động đã đứng nguyên trên đầu đũa trong sự vui sướng đến giàn dụa nước mắt của vợ chồng anh Thuận và người cháu. Chắc dưới ấy Liệt sỹ Đặng Đình phác cũng đang vui mừng giới thiệu với bạn bè đồng đội đứa con trai duy nhất của mình sau 43 năm lưu lạc. Cuối chiều gió đông thổi mạnh, lá cây xào xạc nhưng quả trứng vẫn đậu nguyên trên đầu đũa không chút dao động trong sự ngạc nhiên vô cùng của mọi người, đến khi tối sẩm anh Thuận mới lấy quả trứng ra khỏi đầu đũa anh cảm thấy như có sức hút giữ quả trứng lại.

Cuộc chiến đã đi qua 35 năm trong lòng mỗi người dân Việt Nam vẫn còn in đậm dấu ấn của những năm tháng trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang đánh bại tên Đế quốc giàu mạnh nhất, trang bị hiện đại nhất giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhưng còn đó nỗi khát khao của biết bao gia đình như gia đình anh Thuận và gia đình các liệt sỹ xê 2 tiểu đoàn 19 sư đoàn 320 mong mỏi tìm được hài cốt người thân. Đảng và nhà nước hết sức quan tâm đến công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thông qua các chương trình, các dự án lớn và sự nỗ lực của các cựu chiến binh đi tìm đồng đội, song sự hồi sinh của đất nước rừng núi điệp trùng vốn là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nay đã trở thành khu công nghiệp, công nông trường xí nghiệp hay rừng Cao su, Cà phê bạt ngàn chạy dài đến tận chân trời đã xóa đi vết tích của chiến trường xưa làm cho công cuộc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn.
 
 

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhở kẻ trồng cây vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa là đạo lý của con người, chúng ta những người sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, được hưởng trọn vẹn thành quả của cách mạng hãy luôn nhớ về 1 thế hệ đã sống, chiến đấu, hy sinh quên mình cho đất nước cùng nhau góp sức mình vào công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, hãy thể hiện bằng hành động thiết thực hơn cho công tác đền ơn đáp nghĩa, đừng làm điều gì hổ thẹn với lương tâm, hãy sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha anh đi trước.

Phạm Ngọc Tú