Đổi mới, nâng cao công tác tiếp dân

29/01/2010 08:48 AM


Cụm từ “tiếp dân” hiện nay đang ngày càng trở nên quen thuộc và cần thiết trong sinh hoạt đời sống xã hội. Có thể nói, đây là cầu nối để lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua các buổi tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết hợp tình hợp lý, tạo được niềm tin trong nhân dân

Cụm từ “tiếp dân” hiện nay đang ngày càng trở nên quen thuộc và cần thiết trong sinh hoạt đời sống xã hội. Có thể nói, đây là cầu nối để lãnh đạo chính quyền, cán bộ nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua các buổi tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết hợp tình hợp lý, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Đây cũng là thể hiện bản chất của nhà nước chúng ta, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bên cạnh đó, thói quan liêu, nhũng nhiếu, hạch sách, nạt nộ dân của một số nhân viên công quyền, một vài vị quan chức, sẽ làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, đó là những biểu hiện xa lạ đối với chế độ ta cần phải lên án và ngăn chặn.

BHXH là đơn vị phục vụ, nơi trực tiếp thực hiện các chính sách lớn của Nhà nước. Liên quan đến quyền lợi trực tiếp của đa số người lao động và người dân. Do đó, trong những năm qua Ngành BHXH đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiếp dân và đã có nhiều văn bản quy định cụ thể công tác này. Thời gian qua, tuy điều kiện trụ sở làm việc chật hẹp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nhưng BHXH Gia Lai vẫn duy trì và thực hiện tốt công tác tiếp dân. Tuy nhiên, Ngành BHXH ngày càng lớn mạnh, nhiệm vụ chuyên môn, đối tượng phục vụ ngày càng rộng mở. Việc tiếp dân tại văn phòng BHXH tỉnh nói chung và trong toàn hệ thống nói riêng, chưa tương xứng với yêu cầu. Vì vậy, công tác tiếp dân trong thời gian đến cũng cần đổi mới và nâng cao. Cán bộ được phân công trong bộ phận này cũng phải nâng cao nhận thức, kỹ năng và thái độ làm việc nghiêm túc.

Kinh nghiệm qua thời gian tiếp dân cho thấy: để có một buổi tiếp dân đạt chất lượng, sau khi bộ phận tiếp nhận đơn có giấy hẹn ngày tiếp công dân, công việc phải chuẩn bị trước một cách chu đáo. Lãnh đạo được các bộ phận tham mưu chuẩn bị hồ sơ, đề xuất, tham mưu hướng giải quyết, thì việc tiếp dân sẽ diễn ra thuận lợi. Để hỗ trợ cho công tác tiếp dân đạt hiệu quả cao, người cán bộ trực tiếp tiếp dân phải ráo riết, bám sát công việc, vì lợi ích chung, không ngại va chạm với lợi ích cục bộ, thiểu số. Ngoài việc củng cố chuyên môn, cán bộ tiếp dân còn phải nâng cao kỹ năng dân vận, thuyết phục, có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, có cái nhìn nhân văn với các đối tượng, bởi họ chính là người bị ảnh hưởng đến các quyền lợi thiết thực.

Người cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên tiếp cận với các điểm nóng, đi thực tế, xử lý các đơn thư trực tiếp, các sự việc mà đài, báo nêu, không để tồn đọng, kịp thời nắm bắt được vấn đề một cách sâu sát, tránh dẫn đến thiếu chu đáo, vướng mắc khi giải quyết các chế độ BHXH, BHYT.Công tác tiếp dân sẽ phát huy hiệu quả khi lãnh đạo sâu sát, có tâm, có tầm, có trách nhiệm,dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đồng thời tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, việc thuộc thẩm quyền ở BHXH cấp huyện, lại đùn đẩy lên tỉnh. Kết quả là vụ việc đơn giản nhưng kéo dài, người dân phải vất vả, tốn kém thời gian, có khi cả tiền bạc, công sức một cách không đáng có. Và trên hết việc tiếp dân phải dựa trên cơ sở những chủ trương, quy định mang tính xuyên suốt và cơ bản của nhà nước, của Ngành và địa phương. Cũng tránh tình trạng tiếp dân mang nặng tính hình thức, thủ tục tiếp dân rườm rà, không đúng hẹn. Tiếp dân mà để dân ra về trong lòng không thoả mãn, không “tâm phục khẩu phục”, thì không thể coi là có hiệu quả được. Làm thế nào khi người dân ra về, dù không đạt được kết quả như ý muốn ban đầu (vì các kiến nghị không phải lúc nào cũng chính đáng) nhưng họ vẫn không có điều gì phiền trách cán bộ tiếp dân.

Tất nhiên trong thực tế, công tác tiếp dân không phải lúc nào cũng kết thúc thuận buồm xuôi gió. Có trường hợp người dân đến bộ phận tiếp dân không chỉ khiếu nại, tố cáo mà họ có thể chửi rủa, to tiếng khi yêu cầu của họ không được giải quyết. Đơn cử như bà X (ở phường TN) hay ông C (huyện Đắk Đoa) có chồng, vợ bị cắt chế độ hưu trí. Đã được Toà án xét xử nhưng vẫn đến cơ quan BHXH gây rối, ồn ào. Trong những trường hợp này, người cán bộ tiếp dân phải có thái độ dứt khoát, cách hành xử đúng mực. Đặc biệt, người lãnh đạo phải thật tỉnh táo, tránh nóng giận, điềm tĩnh giải thích, giải quyết có tình có lý. Trường hợp cần thiết phải có biện pháp trấn áp thích đáng nhưng phải đảm bảo không vi phạm pháp luật.

Bước sang năm mới 2010, BHXH Gia Lai sẽ phải nỗ lực lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Cán bộ viên chức sẽ được làm việc trong trụ sở mới to đẹp và khang trang hơn. Do đó, cũng cần đổi mới và nâng cao công tác tiếp dân. Cần bố trí cán bộ có đủ năng lực và trình độ, kinh nghiệm lẫn kỹ năng, phẩm chất để đảm nhiệm công tác tiếp dân. Bố trí địa điểm thích hợp để làm phòng hoặc làm nơi tiếp công dân, thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp dân. Luôn thể hiện tinh thần của người phục vụ, có thái độ hoà nhã, kiên trì, lắng nghe người dân. Trên cơ sở ghi nhận, hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho đương sự.

Làm tốt công tác tiếp dân là góp phần giúp lãnh đạo nắm bắt được tình hình khiếu kiện, những bất cập trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Để từ đó phối hợp cùng địa phương đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp cùng địa phương giải quyết tốt hơn khiếu nại, tố cáo của công dân, hoàn chỉnh chính sách, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, ổn định tình hình an ninh chính trị. Có như vậy các chính sách an sinh xã hội của nhà nước mới thật sự có ý nghĩa sâu sắc.

SK