Nghị lực vượt khó vươn lên

23/11/2009 03:21 PM


Tôi gặp anh trong một lần đi công tác ở huyện, nhìn anh không ai nghĩ anh đang ở độ tuổi năm mươi và chỉ còn một trong hai cái chân mà tạo hoá đã ban cho mỗi con người. Điều đó nói lên rằng, cuộc sống của anh đã trải qua bao khó khăn, vất vả, khổ cực ở vùng đất mà “cái nắng, cái gió” và sự khắc nghiệt của miền đất đỏ bazan theo năm tháng đã lấy đi tuổi thanh xuân phới phới, đầy sức sống của anh.

Tôi gặp anh trong một lần đi công tác ở huyện, nhìn anh không ai nghĩ anh đang ở độ tuổi năm mươi và chỉ còn một trong hai cái chân mà tạo hoá đã ban cho mỗi con người. Điều đó nói lên rằng, cuộc sống của anh đã trải qua bao khó khăn, vất vả, khổ cực ở vùng đất mà “cái nắng, cái gió” và sự khắc nghiệt của miền đất đỏ bazan theo năm tháng đã lấy đi tuổi thanh xuân phới phới, đầy sức sống của anh. Âu cũng là quy luật của tự nhiên, nhưng đối với anh, sao nó nhanh đến thế!

Ngày ấy anh hai mươi, cũng như bao thanh niên khác, rời quê hương gió biển thân yêu với những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu để đi tìm cuộc sống mới. Nơi anh dừng chân là một Nông trường cao su mới được thành lập nằm cách Pleiku hơn 40km về phía Tây nam.

Năm 1979 với hành trang là một túi xách du lịch nhỏ đã bạc màu, trong đó có một ít tư trang, vật dụng có thể gọi là tạm đủ ở mức tối thiểu cho sinh hoạt cá nhân của một con người. Ngày ấy “xin việc sao mà dễ đến thế”- anh nói. Mà thực đúng như vậy, trong tập hồ sơ của anh chỉ có bản sơ yếu lý lịch, chứng minh nhân dân, tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trung học (sau này anh mới bổ sung giấy chuyển hộ khẩu), chừng đó giấy tờ đem vào gặp Giám đốc Nông trường. Sau một hồi làm việc, chuyện trò, ông Giám đốc dẫn sang bộ phận nhân sự và chỉ phải viết thêm một đơn xin việc, anh đã trở thành công nhân cao su từ đó.

Ban đầu anh được phân công chăm sóc vườn cây mới trồng ở một đội sản xuất, cách Nông trường bộ chừng 10 km. Ngoài một số các anh, chị đã có gia đình và ở nhà riêng, còn lại đều ở tập thể. Khỏi phải nói sự vất vả, thiếu thốn của một Nông trường mới được thành lập, từ ăn, ở, sinh hoạt và đi lại là rất khó khăn, những trận sốt rét rừng triền miên tới mức anh em hay nói đùa với nhau việc bị sốt rét như là một nghĩa vụ, có nghĩa rằng không ai trong số họ thoát khỏi cảnh bị sốt rét, cứ sau một trận sốt nhìn ai cũng xanh xao, vàng vọt rất ái ngại. Xong, bù lại anh, chị em thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày đã phần nào vơi đi nỗi nhọc nhằn, nỗi nhớ nhà của mọi người. Đặc biệt lãnh đạo Nông trường và lãnh đạo Đội thường xuyên quan tâm, động viên công nhân đoàn kết, tích cực cùng với Nông trường vượt qua mọi khó khăn trong sản xuất và đời sống, rồi thời gian và vùng đất đầy tiềm năng này sẽ không phụ lòng người.

Quả đúng như vậy, sự quyết tâm của lãnh đạo Nông trường và sự nhiệt tình của đội ngũ công nhân đã đưa vùng đất ngủ yên bao đời bỗng chốc vùng dậy, những hàng cao su thẳng tít tắp, những đồi cao su bạt ngàn xanh cho dòng nhựa trắng tinh khiết đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chính những người mà mồ hôi, công sức của họ đã đổ xuống cho mảnh đất ngày càng xanh tươi.

Sau khi công việc ở Đội đã đi vào ổn định, anh được lãnh đạo Nông trường cho đi học Đại học, anh theo học ngành kỹ thuật trồng trọt, ra trường về lại đơn vị cũ và làm việc ở Đội sản xuất được một thời gian ngắn, anh được điều chuyển làm phụ trách vườn cây giống của Nông trường để phù hợp với những gì anh đã được học. Với khả năng và kiến thức đã học cùng những kinh nghiệm khi còn làm ở Đội sản xuất, anh đã nghiên cứu, tìm hiểu, lai tạo được những giống cây cao su có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu cây giống của toàn Nông trường. Những cố gắng không mệt mỏi, những quyết tâm và một tình yêu gắn bó với mảnh đất đầy nắng và gió, anh được lãnh đạo Nông trường bố trí làm đội trưởng Đội sản xuất cây giống và vinh dự được cử đi dự Đại hội thi đua toàn ngành, một thành tích mà nhiều thanh niên lúc bấy giờ mong đợi.

Thời gian qua đi, năm tháng qua đi, cũng như bao con người khác, anh xây dựng gia đình, rồi những tiếng cười, tiếng nói trẻ thơ xuất hiện trong một gia đình đầm ấm, tràn đầy hạnh phúc.

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong bình yên nếu như đó không phải là một ngày định mệnh. Buổi chiều một ngày cuối tháng 4 năm 1999, theo kế hoạch của Nông trường, Đội cây giống có trách nhiệm đưa cây giống đến các Đội sản xuất để tiếp tục trồng mới, mở rộng diện tích cao su, khi xe vận chuyển cây giống chỉ còn cách Đội sản xuất chừng 5km thì bất chợt một cơn mưa đầu mùa ập xuống, cứ nghĩ còn một đoạn đường ngắn, cố đi để đến Đội càng sớm càng tốt, nhưng không ngờ mưa quá lớn làm đường đất lầy lội, trơn trượt, khi đang lên dốc xe bị trôi ngược trở lại, không có cách nào điều khiển được và điều tai hại đã xẩy ra, xe bị lật nghiêng và lăn xuống khe suối. Khi tỉnh lại thì anh đã đang nằm ở trạm xá Nông trường, toàn thân băng bó và anh không thể nào cử động được, duy chỉ có đôi mắt và đôi môi mấp máy, yếu ớt. Mọi người xung quanh anh đều im lặng, vợ anh đứng sát bên anh, đôi mắt đỏ hoe đờ đẫn, đôi môi nhợt nhạt đủ nói lên rằng cả đêm qua chị đã lo lắng cho sức khoẻ của anh. Không ai nói ra nhưng linh tính cho anh biết hai người cùng đi và cả tài xế trên chiếc xe định mệnh đã không còn, nỗi đau thật vô cùng lớn.

Mặc dù được sự quan tâm tận tình của lãnh đạo Nông trường đưa anh đi chữa trị ở những bệnh viện chuyên môn kỹ thuật cao, nhưng cũng không thể cứu nổi một chân bị chấn thương nặng của anh và anh đã vĩnh viễn mất nó. Để bù đắp một phần mất mát đó ngoài sự hỗ trợ của Nông trường, anh được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng với tỷ lệ thương tật là 67%. Dù không muốn nhưng buộc Nông trường phải cho anh nghỉ việc. Khó khăn bắt đầu từ đây, lao động chính trong gia đình bị tàn tật, mọi việc đều dồn lên đôi vai nhỏ bé của người vợ chịu thương, chịu khó mà anh rất mực yêu thương và cũng từ đây, thu nhập của gia đình bắt đầu sa sút, phần vì phải lo cho con cái đi học, phần vì phải lo đi chưa bệnh cho anh khi vết thương tái phát lúc trái gió trở trời, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Có lúc anh đã bi quan, đã coi mình như một gánh quá nặng cho gia đình và anh đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất, nhưng chính vợ anh đã ngày đêm bên anh, động viên anh hãy sống không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho cả chị và các con của anh chị, chúng nó còn bé nhỏ, chúng nó không có lỗi và hoàn toàn được quyền chăm sóc của chính bàn tay cha, mẹ của chúng, cho dù người cha, người mẹ của chúng có bị tật nguyền đi chăng nữa!

Khi con người ta đã sức cùng lực kiệt, một khoản thu nhập dù là ít ỏi cũng vô cùng quan trọng, với anh điều đó không thể nào đúng hơn được nữa, khoản trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng không nhiều, lại phải trang trải đủ thứ sinh hoạt hàng ngày quả là không dễ dàng chút nào, nhưng không có nó thì không biết lo toan làm sao. Tấm thẻ bảo hiểm y tế có thể nói là “vị cứu tinh” cho gia đình anh những lúc phải đi khám bệnh, chữa bệnh, phần anh đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế, khi Nhà nước có chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện, chị và các con của anh chị được Nông trường hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, sau này gia đình anh thuộc diện hộ nghèo được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù vậy, hoàn cảnh của anh cũng không thể nào bớt đi nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống, nhiều đêm anh chị trăn trở, lo lắng cho cuộc sống của gia đình, trong lúc các con của anh chị ngày càng lớn, bậc học càng cao thì chi phí cũng sẽ cao hơn, chắc chăn sẽ bộn phần khó khăn, lúc đó không biết lấy gì để trang trải.

Không chịu khuất phục trước số phận, anh chị quyết tâm làm lại cuộc sống. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là những người thân trong gia đình, nhưng ở quê họ cũng nghèo khó nên không có khoản nào để cho anh mượn, anh quay sang vay, mượn bạn bè, anh em công nhân khác, nhưng suy đi, tính lại thấy không ổn vì họ cũng không đủ khả năng giúp đỡ cho anh, anh đành bàn với vợ đi vay ngân hàng, anh quyết định vay vốn Ngân hàng theo diện hộ nghèo. Được sự hỗ trợ và tư vấn của bạn bè và đặc biệt là có sự giúp đỡ của các anh lãnh đạo Nông trường, anh chị mở một quầy hàng bán văn phòng phẩm, dịch vụ đánh máy vi tính và photocopy để phục vụ cho Nông trường và giáo viên, học sinh của trường tiểu học gần đó cũng như nhân dân trong vùng. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, công việc thì không có gì khó vì trong thời gian học Đại học anh đã học một khóa tự túc ban đêm về vi tính văn phòng, vấn đề là di chuyển nhiều trên chiếc nạng là khá vất vả, mặc dù sự hỗ trợ của người vợ là rất lớn. Thương vợ, anh tự đi lại để chia sẻ công việc, “nhiều lúc quá mệt mỏi, bị vấp ngã đau điếng, tưởng chừng như không thể vượt qua được, nhưng cứ nghĩ đến những đứa con và sự vất vả của người vợ, lại phải cắn răng chịu đựng” – anh nói.

Ông trời không phụ lòng người, sự quyết tâm và một nghị lực phi thường, cuộc sống của gia đình anh đã bớt đi phần khó khăn, vất vả, công việc quen dần và anh đã có thể hợp đồng với Nông trường để thực hiện nhiều phần việc lớn hơn, thu nhập ngày càng được nâng lên không những đảm bảo được cuộc sống và lo cho con cái đi học, anh còn trả hết nợ ngân hàng. Cuối năm 2007, anh chị đã xây được nhà, tuy không lớn nhưng khá đầy đủ tiện nghi, kinh tế gia đình tương đối ổn định, cuối năm 2008 con trai đầu của anh chị đậu vào đại học, cô con gái đang học lớp 11.

Ngồi nghĩ lại chặng đường gian nan, khổ cực, đến bầy giờ có được như ngày hôm nay, nhiều lúc anh chị cứ nghĩ mình đang mơ. Không mơ sao được khi mà người chồng tàn tật, các con còn nhỏ, bao nhiêu công việc nặng nhọc đều do một người vợ lo toan, đến ăn cũng còn chưa đủ, huống chi nghĩ đến việc mua sắm, xây dựng, vậy mà anh chị làm được và làm thành công. Chẳng thế mà Giám đốc Nông trường nói: ý chí và nghị lực của anh Năm (tên thứ của anh) có thể làm gương cho nhiều người.

Tiến Mạnh