Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện

16/11/2009 03:08 PM


Nguyên tắc BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình; mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung; mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng,

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, áp dụng đối với đối tượng là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, đến 55 tuổi đối với nữ nhưng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và thời gia đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm mới đủ 20 năm, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu theo quy định.

Nguyên tắc BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình; mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung; mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có chia sẻ giữa những người tham gia; người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Các chế độ BHXH tự nguyện được quy định tương tự như đối với BHXH bắt buộc (kể cả trợ cấp BHXH một lần và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu). Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện mà trước đó có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nếu chưa nhận trợ cấp một lần thì được cộng với thời gian tham gia BHXH tự nguyện để tính hưởng BHXH theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện BHXH tự nguyện cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất: Đối với các trường hợp có toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện.

- Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi nghỉ hưu phải từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ (không có quy định nghỉ hưu trước tuổi trong trường hợp này);

- Mức thu nhập tháng để tính lương hưu là mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện;

- Khi tính mức lương hưu hàng tháng, nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì không được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung;

- Người đang đóng và bảo lưu thời gian đóng BHXH tự nguyện, nếu từ trần thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng khi đã đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên. Các trường hợp khác theo quy định của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

- Người đang đóng và bảo lưu thời gian đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu, nếu từ trần thì thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định. Trường hợp đóng BHXH tự nguyện dưới một năm thì trợ cấp tuất một lần được hưởng bằng số tiền đã đóng BHXH tự nguyện nhưng tối đa bằng 1,5 tháng bình quân tiền đóng BHXH tự nguyện; người đang hưởng lương hưu từ trần, nếu trừ thời gian hưởng lương hưu theo quy định mà hết thì không còn được hưởng trợ cấp tuất một lần.

Thứ hai: Đối với các trường hợp tham gia BHXH tự nguyện mà trước đó có tham gia BHXH bắt buộc.

- Trường hợp đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên:

+ Trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số tử 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí khi đủ 55 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ hoặc đủ 50 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ nếu thời gian đóng BHXH bắt buộc là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân hoặc người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân;

+ Trong đó có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn mà không phụ thuộc vào tuổi đời;

+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn khi đủ 50 tuổi trở lên đối với nam, đủ 45 tuổi trở lên đối với nữ (mốc để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi là tuổi 60 đối với nam và tuổi 55 đối với nữ);

+ Khi tính mức lương hưu hàng tháng, nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng với mức lương tối thiểu chung.

- Trường hợp đã có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc:

+ Nếu chưa nhận BHXH một lần và có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm và đủ tuổi theo quy định thì được hưởng chế độ hưu trí (khi tính mức lương hưu hàng tháng, nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì không được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung);

+ Khi từ trần, thân nhân đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, mức hưởng như đối với BHXH bắt buộc, kể cả trường hợp đang hưởng lương hưu mà đã có 15 năm đóng BHXH bắt buộc.

- Đối với các trường hợp có dưới 15 năm đóng BHXH bắt buộc, nếu chưa nhận BHXH một lần và có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện, được đóng tiếp cho đến khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ và đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng lương hưu theo quy định (khi tính mức lương hưu, nếu thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì không được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung); Khi từ trần, thân nhân chỉ được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất một lần theo quy định như đối với BHXH bắt buộc, mức thấp nhất bằng ba tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH hoặc ba tháng lương hưu (đối với các trường hợp đang nghỉ hưu).

Thứ ba: Cán bộ xã có thời gian đóng BHXH theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01.1998 của Chính phủ, nếu chưa hưởng trợ cấp một lần thì thời gian làm việc có đóng BHXH được cộng nối với thời gian tham gia BHXH tự nguyện để tính hưởng BHXH theo quy định của Luật BHXH.

Một vấn đề khác: khi tính mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH, thì tiền lương, tiền công đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện còn được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ theo quy định.

Tiến Mạnh