Ký ức những ngày đầu trong ngành bảo hiểm xã hội

26/10/2009 02:54 PM


Thấm thoát mà đã 15 năm, ngần ấy thời gian trôi qua đã cho thấy sự phát triển của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai đang lớn lên theo nhịp đập con tim của mỗi công chức, viên chức ở đây.

Thấm thoát mà đã 15 năm, ngần ấy thời gian trôi qua đã cho thấy sự phát triển của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai đang lớn lên theo nhịp đập con tim của mỗi công chức, viên chức ở đây.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập mới thấy thấm thía “Vạn sự khởi đầu nan”. Đúng 14 giờ ngày 7 tháng 9 năm 1995 anh Lê Giác - Giám đốc BHXH tỉnh chính thức nhận bàn giao nhân sự và nhiệm vụ thu, chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ Liên đoàn lao động tỉnh chuyển sang. Ngày hôm sau, vào lúc 9 giờ cơ quan BHXH tỉnh tổ chức cuộc họp đầu tiên trong căn phòng nhỏ được Liên đoàn lao động tỉnh cho mượn. Với nhiệm vụ được phân công, chúng tôi võn vẹn chỉ có bốn người: Các anh Lê Giác, Trần Văn Dinh, em Nguyễn Thị Thảo và tôi bắt tay ngay vào các công việc theo yêu cầu của BHXH Việt Nam.

Anh Giác và tôi chịu trách nhiệm vừa lo phương tiện đi lại, vừa đăng ký làm việc với cấp ủy, UBND huyện, thị xã, tiếp nhận nhân sự và lập thủ tục đề nghị BHXH Việt Nam bổ nhiệm cán bộ quản lý BHXH các huyện, thị xã. Những ngày này hai anh em chúng tôi không nghỉ trưa, có lúc vừa ngồi trên xe vừa ăn bánh mì để kịp sáng làm việc một huyện, chiều làm với huyện tiếp theo. Rồi thời gian đi qua, được sự giúp đỡ của các UBND huyện và Ban tổ chức chính quyền tỉnh trong một tuần lễ chúng tôi đã thành lập xong 11 BHXH huyện, thị xã với 36 cán bộ, công chức. Tiếp đó, chiều ngày 23 tháng 9 năm 1995 cơ quan được nhận thêm 03 cán bộ, công chức và nhiệm vụ thực hiện chính sách chế độ hưu trí, mất sức lao động, tử tuất từ Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh bàn giao sang. Bộ máy tổ chức của văn phòng cơ quan BHXH tỉnh cũng được hình thành 04 phòng chức năng với 17 cán bộ, công chức. Như vậy, từ tháng 10 năm 1995 cơ bản bộ máy tổ chức BHXH từ tỉnh đến huyện được hình thành và đi vào hoạt động chính thức, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhằm ổn định nơi làm việc, chúng tôi ngoài việc đi tìm nhà để thuê mà còn tất bật lo xin đất, lập thủ tục xây dựng trụ sở làm việc mới. Ngày 18/10/1995 UBND tỉnh có quyết định giao đất với diện tích 850 m2. Thuê lập dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc xong, anh Giác, anh Dinh và tôi thường xuyên ra Hà Nội để xin thẩm định, phê duyệt dự án. Không thể nào quên khoảng thời gian này: Sự ước ao của bản thân những ngày đầu ra Hà Nội sẽ thưởng thức những điều kiện sẳn có của Thủ đô. Nhưng không, mỗi lần ra Hà Nội chúng tôi không ở khách sạn mà ở tại nhà nghỉ Thụy Khuê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hai bữa ăn cũng vậy, đạm bạc với những món ăn thường xuyên, như cơm, cá, rau muống hoặc nhộng ong. Đâu chỉ suông sẻ là xong chuyện, phải sửa đi sửa lại dự án tổng kinh phí đầu tư công trình của BHXH tỉnh theo mức khiêm tốn hơn. Những điều đó không là quan trọng, cái đích là làm sao cho đơn vị “an cư mới lạc nghiệp”. Sau khi xem xét, ngày 14/11/1995 Tổng giám đốc BHXH Việt Nam quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng trụ sở BHXH Gia Lai: Nhà 03 tầng, tổng diện tích xây dựng 778 m2; diện tích sử dụng 594 m2. Tổng mức đầu tư 1,632 tỷ đồng, trong đó xây lắp: 1,351 tỷ đồng. Những kết quả đó và qua làm việc với anh Giác trong thời gian này, tôi suy nghĩ về anh Giác thì thấy thấm thía hơn câu phương châm: “Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác”.

Việc quản lý thu, chi và thực hiện chính sách, chế độ BHXH cho người lao động những ngày tháng mới thành lập trong trạng thái: Trụ sở làm việc từ tỉnh đến huyện chưa ổn định, còn thuê mướn; phương tiện làm việc, đi lại còn thiếu thốn; cán bộ, viên chức được tiếp nhận, tuyển dụng từ nhiều đơn vị có ngành nghề khác nhau và mới mẻ với công việc; vừa làm việc vừa học hỏi, nghiên cứu chuyên môn, nghiệp vụ; đối tượng tham gia và nhận chế độ BHXH trải dài đến các xã vùng sâu, vùng xa.Tất cả lập hồ sơ, mở sổ sách nghiệp vụ bằng thủ công chứ không thực hiện trên phần mềm, máy móc hiện đại như bây giờ. Công việc khó khăn, năng nhọc là thế nhưng ai cũmg cảm thấy vui vẻ, thân thiện nhau hơn và hăng hái làm việc không kể ngày đêm. Tôi có cảm nhận, hình như mọi người đều có suy nghĩ rằng muốn ngành phát triển và có cuộc sống ổn định thì phải gắn kết, không được sờn lòng nản chí.

Hàng ngày đến cơ quan làm việc trong căn phòng khang trang, tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại. Tuy so với phát triển về số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay diện tích sử dụng của trụ sở BHXH tỉnh không còn phù hợp nữa nhưng tôi không thể nào quên những ký ức của những ngày mới thành lập. Theo thời gian BHXH tỉnh hoạt động không chỉ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội mà còn mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng chính sách, chế độ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Trong quãng thời gian ấy, tuy có sự thay đổi vị trí công tác nhưng ở nơi đó đã giúp tôi hiểu sâu thêm về tình người, cuộc đời, kinh nghiệm trong cuộc sống, cũng như công việc./.

Nguyễn Sáu