Chính sách đào tạo và sử dụng trí thức thời Lý - Trần

22/10/2009 08:35 AM


Đời nhà Lý, triều Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) giáo dục Nho học được chính thức xác lập trên nước ta. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư về Vua Lý Thánh Tông như sau: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vổ về thu phục người xa; đặt khoa Bác sỹ, hầu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc Vua tốt”.

Đời nhà Lý, triều Vua Lý Thánh Tông (1054-1072) giáo dục Nho học được chính thức xác lập trên nước ta. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư về Vua Lý Thánh Tông như sau: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vổ về thu phục người xa; đặt khoa Bác sỹ, hầu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc Vua tốt”. Mở đầu là việc Nhà Vua cho xây dựng Văn miếu (năm 1070), mở khoa thi "Minh kinh bác sỹ" đầu tiên ở Thăng Long vào năm 1075 để chọn người tài, kết quả ông Lê Văn Thịnh, người Bắc Ninh đỗ đầu là Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam. Sau đó lập Quốc Tử Giám vào năm 1076. Việc học hành, thi cử đã được đẩy mạnh.

Đến đời nhà Trần và nhà Hồ (1226-1407), hệ thống trường học đã được hình thành, chùa chiềng bắt đầu tách khỏi trường học, Tổ chức khoa cử thường xuyên hơn, quy chế hoá các kỳ thi. Ngoài Quốc Tử Giám, năm 1253 Vua Trần Nhân Tông còn lập thêm Quốc học viện, năm 1281 lập Nhà học ở Phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Đến cuối đời nhà Trần và nhà Hồ đặt thêm Học quán tại Lộ (tỉnh), Phủ, Châu nhằm thu hút các nhân tài.

Dưới đời nhà Trần, lần đầu tiên mở kỳ thi Thái học sinh vào năm 1232, đến năm 1247 mở khoa thi tiến sỹ, chọn 3 người giỏi nhất gọi là "tam khôi". Chính trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều nhà khoa bảng tiêu biểu cho đỉnh cao trí tuệ Việt Nam như: Nguyễn Hiền - khi đỗ mới 13 tuổi; Mạc Đỉnh Chi - trạng nguyên khoa thi năm 1304; những người sau này đã trở thành những nhà văn hoá lớn của dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Lê Văn Hưu ...

Nghiên cứu chính sách đào tạo và sử dụng trí thức thời nhà Lý và thời nhà Trần chúng ta thấy rằng: các triều đại phong kiến ở nước ta rất quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng trí thức mà mãi đến ngày nay, chúng ta cần phải nghiên cứu, chọn lọc để vận dụng, đó là:

- Hệ thống trường học có 2 loại trường chủ yếu là trường công và trường tư, ngoài ra còn một số đình, chùa cũng mở lớp đào tạo cho sư, sãi. Như vậy, từ thời đó đã mở ra hướng đa dạng hoá trường, lớp, huy động xã hội hoá giáo dục và đào tạo.

- Đội ngũ thầy dạy là các quan văn, những người đỗ đạt ra làm quan bị cách chức, hoặc cáo quan về, những người thi đỗ đạt thấp, các nhà sư có trình độ học vấn cao.

- Người học: Nhà nước khuyến khích tất cả nam giới thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp, giai cấp trong xã hội đều được đi học.

- Nội dung học: chủ yếu học Tứ thư (4 cuốn sách do học trò Khổng Tử biên soạn là Luận ngữ, Đại học, Trung dung); Ngũ kinh (5 cuốn sách do Khổng Tử biên soạn là Kinh thư, Kinh lễ, Kinh xuân thu, Kinh dịch); ngoại thư (sách cổ văn và Sử). Thời nhà Trần có thêm võ đường để luyện tập võ nghệ.

- Về thi cử: có 2 kỳ thi quan trọng là thi Hương, thi Hội và thi Đình.

+ Thi Hương: được tổ chức tại một tỉnh, hay nhiều tỉnh chung một trường thi. Thí sinh trúng tuyển chia thành 2 loại: loại 1: Cống sỹ hay Hương cống (cử nhân), sẽ tiếp tục được tham gia thi Hội; loại 2: Sinh đồ (tú tài) không được tham gia thi Hội. Người đỗ đầu kỳ thi Hương được gọi là Giải nguyên. Sau khi đỗ cử nhân, các vị tân khoa trở về quê hoặc được giới thiệu vào học trường Quốc Tử Giám sau đó dự kỳ thi Hội, cũng có người ra làm quan rồi chờ dịp thi Hội.

+ Thi Hội và thi Đình: Thi Hội dành cho người thi đỗ kỳ thi Hương đã có bằng cử nhân hoặc tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám. Người đỗ kỳ thi Hội được gọi là Thái học sinh, sau đó gọi là Tiến sỹ. Thi Đình được tổ chức 8 tháng sau khi kết thúc kỳ thi Hội, tại kỳ thi này Vua là người hỏi thi cuối cùng để đánh giá và chọn ra các Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Về sử dụng: hầu hết những người tri thức đỗ đạt tuỳ theo cấp độ khác nhau đều được bố trí giữ những chức vụ khác nhau trong triều đình, trong chính quyền các địa phương. Những người thi đỗ trước khi làm quan đều phải trải qua một kỳ thi sát hạch, nếu không đạt được thì không sử dụng. Các triều đại phong kiến đã biết áp dụng các chế độ khen thưởng để đãi ngộ nhân tài như lễ ban áo mão, yến tiệc, tổ chức vinh quy bái tổ (kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau), ai là Tiến sỹ còn được khắc tên vào bia đá./.

Văn Nhân, theo Bách khoa toàn thư