Bảo hiểm thất nghiệp ở các đơn vị sự nghiệp Nhà nước, từ chính sách đến thực tiễn

14/08/2009 09:54 AM


Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là mối quan tâm của hàng triệu người lao động, có thể coi đây là phao cứu sinh an toàn cho người lao động chẳng may bị mất việc.

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là mối quan tâm của hàng triệu người lao động, có thể coi đây là phao cứu sinh an toàn cho người lao động chẳng may bị mất việc. Mặc dù chính sách BHTN được thực hiện từ ngày 01/01/2009, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành và chính quyền đã cụ thể hoá chính sách BHTN đến các đơn vị sử dụng lao động, nhưng cho đến nay các đơn vị sử dụng lao động và người lao động còn lúng túng trong việc thực hiện, nhất là việc xác định đối tượng tham gia và nguồn kinh phí thực hiện đặc biệt là ở các đơn vị sự nghiệp Nhà nước.

Xác định đối tượng tham gia BHTN:

Theo quy định của Luật BHXH thì các đối tượng tham gia BHTN được xác định theo điều 2 khoản 3 của Luật BHXH và tại điều 3 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ, theo đó người lao động là công dân Việt Nam có giao kết các loại hợp đồng làm việc không xác dịnh thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước trước ngày Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ hoặc xác định thời hạn hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng ở các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có đủ 10 lao động trở lên đều thuộc diện tham gia BHTN, mặc dù đã rõ đối tượng nhưng đến nay phần lớn các đơn vị sự nghiệp của nhà nước vẫn chưa thực BHTN cho người lao động với lý do chưa xác định rõ đối tượng tham gia BHTN. Để xác định cụ thể hơn đối tượng tham gia BHTN ở các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, ngày 06/05/2009 Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã có công văn số 1461/LĐTBXH-VL, theo đó đối với người lao động là viên chức ( kể cả người được bổ nhiệm chức vụ đứng đầu, cấp phó của người đúng đầu) được tuyển dụng, sử dụng vào làm việc đều phải thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc quy định tại điều 15 và điều 52 của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ. Do vậy, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 127/2003/NĐ – CP của Chính phủ có quy định những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ – CP đều thuộc diện đối tượng tham gia BHTN;

Như vậy những đối tượng không phải tham gia BHTN là những đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Pháp lệnh Cán bộ - Công chức; đại biểu Quốc hội, đại biểu chuyên trách HĐND các cấp; người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp, Toà án nhân dân và Viện KSND được Quốc hội hoặc HĐND các cấp bầu ra, cử ra theo nhiệm kỳ; người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, kế toán trưởng trong các doanh nghiệp Nhà nước; những người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội hoạt động của tổ chức đó; cán bộ chuyên trách công tác Đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp, xã viên hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức trong lực lượng quân đối nhân dân và công an nhân dân.

Nguồn kinh phí thực hiện BHTN:

Theo quy định tại khoản 1 điều 26 của Nghị định 127/2008/NĐ-CP thì mức đóng BHTN được đóng theo mức 3% tiền lương, tiền công của người lao động, trong đó người lao động đóng 1% mức tiền lương, tiền công; người sử dụng lao động đóng 1% mức tiền lương tiền công cho người lao động và Ngân sách Nhà nước hổ trợ 1%; Như vậy nguồn kinh phí đóng BHTN được quy định rõ ràng và cụ thể trong các đơn vị sử dụng lao động. Tại điều 2 Thông tư số 96/2009/TT-BTC ngày 20/5/2009 của Bộ tài Chính về hướng dẫn thực hiện BHTN có quy định đối với đơn vị sử dụng lao động là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị sử dụng lao động theo mức quy định và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Riêng năm 2009, đơn vị sử dụng lao động căn cứ danh sách người lao động thuộc đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán kinh phí đóng bảo hiểm thất nghiệp gửi đơn vị dự toán cấp trên. Đơn vị dự toán cấp I tổng hợp và có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định giao bổ sung dự toán từ nguồn cải cách tiền lương năm 2009 theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Để chính sách đi vào cuộc sống:

Nhìn vào thực tiễn, chính sách mới đi vào cuộc sống bao giờ cũng gặp những khó khăn nhất định, do vậy phải có nhiều biện pháp tích cực, thông qua các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trực tiếp tăng cường công tác tuyên truyền vận động làm cho người lao động, chủ sử dụng lao động nhận thức tốt hơn về trách nhiệm và khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình trong việc thực hiện BHTN, mặt khác phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHTN, ngành Lao động TB&XH có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoá những quyền lợi của người tham gia BHTN trong việc thụ hưởng chính sách, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tăng cường sự chỉ đạo các cơ quan đơn vị sự nghiệp Nhà nước nghiên túc thực hiện chính sách BHTN, đồng thời có quy định việc đóng BHTN là một trong những tiêu chuẩn để xem xét cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động để giám sát việc thực thi pháp Luật về BHXH nói chung và chính sách BHTN nới riêng, có như thế tin rằng chính sách sẽ đi vào cuộc sống.

Phương Chi