Thời hạn trong giải quyết tố cáo

21/05/2025 04:38 PM


Chế định thời hạn, thời gian là một trong chế định quan trọng trong pháp luật nói chung và pháp luật tố cáo nói riêng. Trong quá trình nhận tố cáo, thụ lý tố cáo và giải quyết tố cáo… hiểu đúng và áp dụng nghiêm, thống nhất về thời hạn, thời gian trong thụ lý, giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018 quy định như sau:

Về xử lý ban đầu thông tin tố cáo trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (Khoản 1 Điều 24). Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo (Khoản 2 Điều 24).

Đối với các tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành phân loại và xử lý. Kết quả xử lý tố cáo được thông báo bằng văn bản cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển tố cáo trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo (Khoản 2 Điều 26).

Thời hạn thông báo thụ lý tố cáo người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện pháp luật quy định (Khoản 1 Điều 29). Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết (Khoản 3 Điều 29).

Thời hạn giải quyết tố cáo (Khoản 1, Khoản 2 Điều 30): Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo thì việc xác định vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp để áp dụng thời hạn quy định của điều này như sau: Vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây: (i) Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên; (ii) Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên; (iii) Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; (iv) Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài; (v) Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; (vi) Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau; (vii) Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn; Vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên được quy định ở trên.

Thời hạn thụ lý tố cáo nói trên là thời gian tính ngày liên tục theo quy định của pháp luật Dân sự.

SK (sưu tầm)