Khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi)

19/07/2024 01:25 PM


Đây là khẳng định được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Báo cáo công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, quán triệt phương châm điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời để triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực; nắm bắt tình hình thực tế liên quan đến các lĩnh vực của ngành để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ đã trình 09 Đề án (02 Luật và 07 Nghị định). Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành và trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật BHXH (sửa đổi) với với tỷ lệ tán thành rất cao. Đồng thời, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhìn chung cơ bản đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội…

Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước là 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người; cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 78.640 lao động, đạt 62.91% kế hoạch; trong đó có 23.845 lao động nữ. Cùng với đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Ước đến hết tháng 6, số người tham gia BHXH đạt khoảng 18,3 triệu, chiếm 39,05%; số người tham gia BH thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.

Để triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ các chính sách, giải pháp đã ban hành, những tháng cuối năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành đã đề, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: cụ thể hóa, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi); tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023; hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng kết nối cung- cầu lao động trên thị trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động đặc biệt là chính sách BHXH, Bh thất nghiệp, tiền lương; tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho NLĐ; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao.

Hoàn thiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt; trợ giúp xã hội, công tác xã hội theo hướng nâng cao mức trợ cấp xã hội, mở rộng đối tượng trợ giúp xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, bao trùm, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội ...

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: Từ đầu năm đến nay, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Trong điều kiện đó, ngành cũng phải đối mặt với những rủi ro mới, thiên tai, lũ, bão, hạn hán, diễn biến bất thường làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, sinh kế của người dân. “Trước khó khăn đó, Bộ đã tham mưu cho Trung ương ban hành triển khai Nghị quyết số 42-NQ/TW với rất nhiều vấn đề lớn, nền tảng. Chuyển từ an sinh xã hội sang chính sách xã hội, từ ổn định và đảm bảo sang đảm bảo và phát triển, đây chính là nền tảng để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIV; đồng thời phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm bảo đảm bền vững của Liên hợp quốc. Tiếp đến là tham mưu cho Quốc hội ban hành và sửa đổi Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH với 9 nội dung đột phá”- Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số lĩnh vực của ngành còn tồn tại như: Tình trạng thiếu việc làm, việc làm chưa bền vững; giải ngân đầu tư công còn chậm. Tình trạng trẻ em đuối nước, tai nạn thương tích, bị xâm hại; TNLĐ gia tăng và nhiều xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; chuyển đổi số của toàn ngành và cải cách hành chính chưa có chuyển biến rõ nét. Tình trạng đùn đấy, né tránh công việc còn xảy ra… Vì vậy, thời gian tới, tập trung nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách, hoàn thiện các chính sách để trình Quốc hội. Đối với các địa phương, cần tham mưu nhiều hơn cho cấp ủy chính quyền tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đúng, đầy đủ kịp thời các chính sách xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội. “Cần tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ”- ông Dung nhấn mạnh.

Theo Tapchibaohiemxahoi.gov.vn