Đoàn công tác Hội đồng Quản lý BHXH nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế tại Liên bang Thụy Sỹ và Công hòa Liên bang Áo

26/06/2024 04:29 PM


Vừa qua, đoàn công tác Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) có chuyến công tác nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện; làm việc với các cơ quan, tổ chức quản lý quỹ an sinh xã hội (ASXH) tại Liên bang Thụy Sỹ và Cộng hòa liên bang Áo về mô hình tổ chức và hoạt động quản lý, đầu tư, giám sát các quỹ ASXH.

Đoàn công tác có: Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH làm Trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Hội đồng quản lý BHXH và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc BHXH Việt Nam. Qua chương trình làm việc, Đoàn công tác đã giới thiệu về hệ thống ASXH của Việt Nam với mong muốn được nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong khuôn khổ nội dung nghiên cứu, thời gian cho phép.

Tại Liên bang Thụy Sỹ: Đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan: Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Thụy sỹ; BHXH Liên bang, Bồi hoàn Trung ương, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA). Qua chương trình làm việc cho thấy: Liên bang Thụy Sĩ có một mạng lưới liên kết chặt chẽ các loại bảo hiểm “xã hội” khác nhau, cung cấp cho các cá nhân sống và làm việc tại quốc gia này cũng như những người phụ thuộc của họ có được sự bảo vệ rộng rãi trước các rủi ro tài chính mà không thể bảo hiểm nếu không có bảo hiểm này (thực hiện đầu tư các quỹ bảo hiểm này được Chính phủ quy định cho tổ chức khác).

Đoàn công tác làm việc với Giám đốc đối ngoại Cơ quan BHXH Liên bang Thụy sỹ

Bất kỳ ai làm việc hoặc sinh sống ở Liên bang Thụy Sĩ đều phải tuân theo “Hệ thống” ASXH của Liên bang Thụy Sĩ và hệ thống này được chia thành năm lĩnh vực như sau: (1) Tuổi già, người sống sót và tàn tật (hệ thống ba trụ cột) hệ thống ASXH của Liên bang Thụy Sĩ bao gồm các rủi ro về tuổi già, tử vong và tàn tật và được xây dựng trên ba trụ cột: tuổi già, người sống sót và tàn tật (đây là sự cam kết giữa nhà nước, người sở hữu lao động và người lao động nhằm đảm bảo sinh kế cơ bản của người già khi đã cống hiến đủ và về hưu). Cụ thể: Trụ cột đầu tiên (Trụ cột 1) là một kế hoạch lương hưu nhà nước bắt buộc cho tất cả mọi người, nhằm mục đích trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản. Trụ cột thứ hai (Trụ cột 2) là bắt buộc đối với người làm công ăn lương, đưa vào “Trụ cột 1” để duy trì mức sống trước đây của các cá nhân, để mang lại cho họ thu nhập bằng khoảng 60% thu nhập kiếm được trước khi nghỉ hưu. Luật quy định các lợi ích theo luật định tối thiểu. Các công ty và các tổ chức khác có thể thiết lập lợi ích vượt quá mức tối thiểu này. “Trụ cột 1” và “Trụ cột 2” là bắt buộc và do người sử dụng lao động giải quyết. “Trụ cột 3” là quy trình cá nhân tự nguyện được tổ chức trực tiếp với công ty bảo hiểm hoặc ngân hàng. Chương trình này được hưởng lợi từ các ưu đãi về thuế. (2) Bệnh tật và tai nạn (sức khỏe và tai nạn): Bảo hiểm y tế (BHYT) Liên bang Thụy Sĩ là bắt buộc đối với mọi người sống ở Liên bang Thụy Sĩ trong thời gian dài hơn ba tháng. Phí bảo hiểm được coi là chi phí tư nhân và hiếm khi được chủ lao động chi trả. Bảo hiểm tai nạn là bắt buộc đối với tất cả mọi người có việc làm tốt tại Liên bang Thụy Sĩ. Nó bao gồm các hậu quả tài chính của tai nạn tại nơi làm việc và ngoài công việc. Trong các trường hợp khác, rủi ro được bảo hiểm theo BHYT tư nhân. (3) Trợ cấp bồi thường thu nhập, trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc, nghỉ thai sản hoặc nghỉ sinh con (Nghĩa vụ quân sự bắt buộc, thai sản và nghỉ sinh con): Bất cứ ai sống hoặc làm việc ở Liên bang Thụy Sĩ đều được bảo hiểm, được bao gồm một phần tổn thất về thu nhập phát sinh từ việc thực hiện các dịch vụ bảo vệ quân sự hoặc dân sự, hoặc trong thời gian nghỉ thai sản và chăm con. (4) Trợ cấp thất nghiệp: Về nguyên tắc, bất cứ ai đã được tuyển dụng thành công đều được bảo hiểm bởi chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Các cá nhân tự làm chủ không được bảo hiểm. (5) Phụ cấp gia đình: Trợ cấp gia đình là một khoản dự phòng để bù đắp các chi phí phát sinh khi nuôi sống một gia đình.

Đoàn công tác làm việc với cơ quan Bồi hoàn Trung ương tại thành phố Geneva, Liên bang Thụy Sỹ

Về đóng góp thanh toán: Các lợi ích được chi trả bởi các loại ASXH khác nhau về nguyên tắc được tài trợ bởi các khoản đóng góp đánh vào thu nhập. Người lao động và người sử dụng lao động đóng góp theo các phần bằng nhau. Đóng góp của người sử dụng lao động ít nhất phải bằng đóng góp của nhân viên. Người sử dụng lao động trả toàn bộ số tiền cho công ty bảo hiểm và khấu trừ phần đóng góp của nhân viên vào tiền lương của họ. Ngoài ra có những ngoại lệ đối với những điều trên là: trợ cấp Gia đình, hầu như được tài trợ độc quyền bởi người sử dụng lao động; BHYT Tư nhân, được trả bởi mỗi cá nhân; “Trụ cột 3” mang tính tự nguyện và được hỗ trợ bởi từng công ty bảo hiểm. Điểm đáng lưu ý rằng các cá nhân tự kinh doanh tự đóng góp đầy đủ cho ASXH của Liên bang Thụy Sĩ.

Đoàn công tác làm việc tại Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trụ sở tại Liên bang Thụy Sỹ

Hiện nay, Liên bang Thụy Sĩ đã ký kết các hiệp định ASXH song phương và đa phương với các quốc gia thành viên EU và EFTA, cũng như với một số quốc gia khác. Các thỏa thuận ASXH này xác định quyền và nghĩa vụ của công dân liên quan đến hệ thống ASXH của một quốc gia ký kết khác. Mục đích là để đảm bảo sự đối xử bình đẳng của công dân từ cả Liên bang Thụy Sĩ và tiểu bang khác. Liên bang Thụy Sĩ được nhiều công ty quốc tế chọn làm cơ sở cho các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới châu Âu hoặc toàn cầu của họ, phần lớn là do môi trường đầu tư thuận lợi. Luật việc làm của Liên bang Thụy Sĩ được biết đến là tự do hơn so với các khu vực pháp lý khác. Mặc dù nguyên tắc cơ bản về tự do hợp đồng chiếm ưu thế, nhưng điều quan trọng là phải hiểu tiêu chuẩn tối thiểu theo luật định và các cơ chế bảo trợ xã hội do luật pháp Liên bang Thụy Sĩ cung cấp.

Đoàn công tác làm việc với  Tiến sỹ Marcelo Abi-Ramia Caetano - Tổng thư ký Hiệp hội an sinh xã hội quốc tế (ISSA), trụ sở tại Liên bang Thụy Sỹ

Tại Cộng hòa Liên bang Áo: Đoàn làm việc với các cơ quan gồm: Đại sứ quán Việt Nam; Bộ Lao động, các vấn đề xã hội và bảo vệ người tiêu dùng; Bảo hiểm hưu trí.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Áo

Đoàn công tác đã được tiếp cận hệ thống ASXH ở Cộng hòa Liên bang Áo, qua nghiên cứu, học tập cho thấy, đây là một trong những hệ thống toàn diện và phát triển nhất trên thế giới hệ thống này nhằm hướng đến đảm bảo cho mọi công dân được hưởng quyền lợi về y tế, hưu trí, và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thể hiện tính toàn diện, công bằng và hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân (một số chính sách tương đồng quyền lợi người hưởng đang thực hiện ở BHXH Việt Nam). Cụ thể: (1) Về BHYT: mọi người lao động và người phụ thuộc đều phải tham gia BHYT bắt buộc; chi phí bảo hiểm được chia sẻ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động; người dân được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản, bao gồm khám chữa bệnh, phẫu thuật, thuốc men, và chăm sóc dài hạn. (2) Bảo hiểm hưu trí: có hệ thống ASXH theo 3 trụ cột, gồm: Hệ thống bảo hiểm hưu trí cung cấp trợ cấp hưu trí cho những người lao động đã đóng góp đủ thời gian quy định; Người lao động phải đóng góp một phần thu nhập hàng tháng vào quỹ hưu trí; Tuổi nghỉ hưu tiêu chuẩn là 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ (tiến tới tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình). (3) BHTN: Người lao động và chủ sử dụng lao động phải đóng góp vào quỹ BHTN; Những người mất việc làm có quyền nhận trợ cấp thất nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào thời gian làm việc trước đó và mức lương; Hệ thống cũng cung cấp các chương trình đào tạo và tái đào tạo để giúp người lao động tìm kiếm việc làm mới. (4) Phúc lợi xã hội: Ngoài ba trụ cột chính trên, hệ thống ASXH của Cộng hòa Liên bang Áo còn cung cấp nhiều loại phúc lợi khác như trợ cấp gia đình, trợ cấp cho người khuyết tật và trợ cấp nhà ở; Các chương trình này nhằm hỗ trợ những người gặp khó khăn về tài chính và đảm bảo mức sống cơ bản cho mọi công dân. (5) Quản lý và tổ chức: Hệ thống ASXH của Cộng hòa Liên bang Áo được quản lý bởi các cơ quan Nhà nước và tổ chức phi lợi nhuận; Các cơ quan này chịu trách nhiệm thu thập đóng góp, quản lý quỹ, và chi trả trợ cấp cho người thụ hưởng.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm cùng đại diện Bộ Lao động, các vấn đề xã hội và bảo vệ người tiêu dùng Cộng hòa Liên bang Áo

Nguyên tắc cơ bản thực hiện ở Cộng hòa Liên bang Áo là tất cả người lao động khi đi làm sẽ tự động đưa vào hệ thống đóng BHXH, tức là ngay từ ngày đầu tiên đi làm kể cả khi người lao động không có điều kiện ban đầu (ví dụ, sức khỏe không đảm bảo vẫn được tham gia); tại quốc gia này tổ chức thực hiện theo hình thức tọa thu, tọa chi. Từ 2005-2014, bắt đầu áp dụng hệ thống theo tài khoản cá nhân để bảo đảm công bằng hơn khi chi trả cho người nhận lương hưu (đối tượng được thực hiện tài khoản này có năm sinh từ 1955 trở đi); Từ năm 2020, tại Áo đã thực hiện cải cách và có 5 cơ quan phụ trách liên quan cung cấp ASXH; cách tính của hệ thống cũ lương trung bình là 15 năm tốt nhất của người lao động đóng; tuy nhiên, đến năm 2022 thực tế thu 36. 810 tỷ, chi 45.873 tỷ phân chênh lệch thu, chi do ngân sách cấp hỗ trợ từ thuế (do đó không còn tiền đầu tư tăng trưởng quỹ). Cách tính toán lương hưu hiện tại bắt đầu tính theo toàn bộ quá trình theo công thức 65/45/80 (65 tuổi đóng 45 năm, tỷ lệ thay thế 80%) nếu người lao động đạt 65 tuổi chưa đạt điều kiện thời gian đóng sẽ giảm trừ; nếu đóng dài hơn có thể hưởng cao hơn tỷ lệ 80% (tức 80/45 = 1,78 là tỷ lệ tích lũy cá nhân); tỷ lệ đóng góp 22,8% của lương: người lao động đóng 10,25% và người sử dụng lao động đóng số còn lại (ngoài ra, trích 7,8% đưa vào tài khoản cá  nhân cho người đang tham gia tại thời điểm hiện tại) đặc biệt, chính sách thu, chi được ghi nhận khoản đã đóng và đã chi tại tài khoản cá nhân…

Qua các buổi làm việc, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại Liên bang Thụy Sỹ và Cộng hòa Liên bang Áo, Đoàn công tác đã nắm bắt được nhiều thông tin về tổ chức triển khai của hệ thống ASXH và các giải pháp hiệu quả mang lại kết quả quan trọng từ kinh nghiệm thực tiễn góp phần trong thời gian tới với vai trò tư vấn chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống BHXH, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển BHXH tự nguyện và quản lý quỹ an sinh xã hội./.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH