Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
29/05/2024 07:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, về điều kiện hưởng BHXH một lần đối với trường hợp chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.
Bà Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)
Về phương án 1, NLĐ được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1- NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực, dự kiến từ 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2- NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần. Về phương án 2, NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, đa số ý kiến trong Ủy ban TVQH tán thành phương án 1 và đây cũng là ý kiến của đa số NLĐ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để NLĐ hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần.
“Ủy ban TVQH thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều NLĐ trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban TVQH trân trọng đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua”- bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Về việc thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”, Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định bãi bỏ “mức lương cơ sở” khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Như vậy, theo lộ trình thực hiện, từ 1/7/2024 sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.
Liên quan vấn đề này, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá tác động và nghiên cứu bổ sung một số nội dung về: Nguyên tắc cụ thể xác định mức tham chiếu trong Dự thảo Luật; quy định giao Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội về việc xây dựng và tổ chức thực hiện mức tham chiếu này; quy định căn cứ đóng BHXH của khu vực DN. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, bổ sung đầy đủ quy định điều khoản chuyển tiếp trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến “mức lương cơ sở” để ban hành hoặc trình ban hành quy định mới.
Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý, Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về cơ chế đặc thù để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người SDLĐ không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cơ chế “đặc thù” để bảo vệ NLĐ trong trường hợp người SDLĐ bỏ trốn, không còn khả năng đóng BHXH cho NLĐ.
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, Ủy ban TVQH thấy rằng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến hàng triệu người đã, đang và sẽ hưởng lương hưu. Do đó, cần được xem xét một cách toàn diện, thấu đáo trong bối cảnh cải cách tiền lương và cần đánh giá kỹ tác động đối với người hưởng lương hưu ở các thời điểm khác nhau, trong các khu vực, lĩnh vực khác nhau.
Đẩy mạnh mở rộng diện bao phủ BHXH
Quan tâm đến nhóm đối tượng tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện), ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị, Khoản 5 Điều 7 bỏ cụm từ “tự nguyện” nhằm đạt được mục tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương, NSNN cần hỗ trợ cho nhóm đối tượng tham gia BHXH cả bắt buộc và tự nguyện tùy vào khả năng cân đối ngân sách của từng thời kỳ. Vấn đề này, pháp luật về BHYT cũng đã có giải pháp từ những năm trước và đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT như kỳ vọng.
ĐB Trần Kim Yến (TP.HCM) tham gia thảo luận tại hội trường
Quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ĐB Trần Kim Yến (TP.HCM) cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp được xác định là NLĐ nhưng hai bên không giao kết HĐLĐ nhưng có nội dung về việc làm, tiền công, tiền lương… phù hợp với hoạt động lao động. Tuy nhiên, xét về hình thức HĐLĐ đã được giao kết bằng văn bản đối với HĐLĐ từ 1 tháng trở lên, nếu đã xác định quan hệ lao động thì phải có sự điều chỉnh kịp thời để tham gia BHXH và công tác kiểm tra, giám sát mới thực hiện tốt.
“Thực tế cho thấy, nhiều DN sử dụng cách này để trốn tránh nghĩa vụ. Nếu phát hiện ra HĐLĐ này, thì cần điều chỉnh để từ đó xác định nghĩa vụ của các bên tham gia BHXH. Ban soạn thảo cũng cần đánh giá bổ sung đối tượng tham gia BHXH là lao động không trọn thời gian (lao động công nghệ). Nếu chiếu theo Điều 13 Bộ luật Lao động, thì đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, một bên là góp công nghệ, bên góp sức. Dù là công nghệ hay gì thì có quản lý về thời gian, doanh thu, trả lương… nên cần bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc”- ĐB Yến phân tích.
Nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho biết, Dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý DN, người điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng lương... Quan nghiên cứu, quy định như trong Dự thảo Luật, thì chủ hộ kinh doanh và người quản lý DN, quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là NLĐ, vừa là người SDLĐ và phải đóng tổng mức 25%.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn tham dự phiên thảo luận
Theo ĐB Thơ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia BHXH. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng BHXH bắt buộc. Do đó, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi Dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng BHXH khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện.
Thống nhất với các nội dung của Dự thảo Luật, song về hưởng BHXH một lần, ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị lựa chọn phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH (tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hưởng quyền lợi lâu dài) và đảm bảo an sinh tuổi già cho NLĐ, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện. Song về lâu dài, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho NLĐ khi ốm đau, TNLĐ-BNN, BHYT, lương hưu khi về già. Đồng thời, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng lãi suất ưu đãi với NLĐ mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng BHXH một lần quy định tại Điều 74 và Điều 107 của Dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ phương án quy định NLĐ được chia làm hai nhóm. Hiện tại, Điều 74 Dự thảo Luật đang trình 2 phương án, mỗi phương án đều nhắm hướng tới mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài về an sinh xã hội cho NLĐ theo mức độ và cách thức khác nhau. Tuy vậy, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ đảm bảo có những chính sách về tín dụng, ưu đãi dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp… để phát triển thị trường lao động cũng như giảm thiểu thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần.
Cần quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền BHXH
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng chế độ thai sản, ĐB Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) cho biết, Điều 52 Dự thảo Luật đang quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới đủ điều kiện về chế độ thai sản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có tình trạng NLĐ bị hiếm muộn. Nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian.
ĐB Đỗ Đức Hiển (TP.HCM)
Trong khi đó, theo quy định tại Luật BHXH hiện hành, NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH và thời gian này không được tính để hưởng BHXH. Theo ĐB Hiển, quy định này dẫn đến thực trạng lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày; và hệ quả là NLĐ không được hưởng chế độ tài sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH nhiều năm liên tục.
“Để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con, Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý nội dung này theo hướng không quy định điều kiện thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh con đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn vì sinh con. Thay vào đó, trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn”- ĐB Hiển đề xuất.
Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban TVQH, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho biết, Điều 7, Khoản 5 quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu đề ra là bao phủ các đối tượng tham gia BHXH đúng theo tinh thần Nghị quyết 28. Do vậy, xem xét chính sách hỗ trợ của Nhà nước không chỉ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mà còn hỗ trợ đối với người tham gia BHXH bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.
Đối với hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, Khoản 2 quy định hành vi bị nghiêm cấm chiếm dụng tiền hưởng BHXH, ĐB Bảo Trinh đề nghị Ban soạn thảo nên giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 3, Điều 17 Luật BHXH 2014 là chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp. Bởi thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị SDLĐ chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ nhưng vẫn trích từ tiền đóng của NLĐ hằng tháng khi trả lương. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Cũng liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH và phương án xử lý, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung các quy định liên quan đến nội dung xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Trong đó, quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan BHXH và sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật về quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn nhằm góp phần tổ chức thực hiện hiệu quả các luật có liên quan...
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình tại phiên thảo luận
Giải trình một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chính sách BHXH ở Việt Nam còn rất non trẻ (29 năm), trong khi ở các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm. Dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình BHXH cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sườn của các địa phương, sự ủng hộ của người dân, còn có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ BHXH Việt Nam- cơ quan trực thuộc Chính phủ với trên 20.000 người trực tiếp làm chính sách.
Về hưởng BHXH một lần, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là vấn đề nhạy cảm nhất và phức tạp nhất. Theo Bộ trưởng Dung, vấn đề cơ sở chính trị chúng ta đã có và quy định này đã bàn qua 2 kỳ với mục tiêu lớn nhất, là vừa thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh đất nước, song cũng quan tâm đến đời sống hiện nay của NLĐ. Nhấn mạnh Nghị quyết 93 ra đời để giải quyết tình thế và không bỏ được, Bộ trưởng Dung cho rằng "bây giờ cần duy trì trên cơ sở tham vấn quốc tế". "Đến 25/5, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến và thấy không có phương án nào khả thi hơn 2 phương án nêu trong Dự thảo Luật"- Bộ trưởng Dung thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, Nghị quyết số 28 đã nêu rất rõ và Nghị quyết số 42 xác định phấn đấu đến năm 2030 đạt 60%. " Dù giáo dục, tuyên truyền, nhưng phải bắt buộc. Do đó, những đối tượng nào đã rõ, thì quy định ngay trong luật như hộ kinh doanh cá thể có trục trặc thì ta xử lý. Ai có nguyện vọng, nhu cầu thì chuyển vào BHXH bắt buộc là phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Trong thị trường lao động rất linh hoạt, nay làm việc này, mai việc khác…, nên nếu đưa vào luật cứng thì không xử lý được, giao Ủy ban TVQH quy định sẽ linh hoạt hơn"- Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong một ngày thảo luận tại hội trường, có 55 lượt ý kiến và 2 ý kiến tranh luận. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu và làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Nhiều ĐB đã phát biểu về cả pháp lý, góp ý hoàn thành Dự thảo Luật và chính sách, pháp luật liên quan để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật. Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến gửi đến các cơ quan để nghiên cứu, giải trình những vấn đề đảm bảo tính thuyết phục. "Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ gửi ý kiến đến các ĐB"- Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định thông tin.
Theo Vũ Thu (tapchibaohiemxahoi.gov.vn)
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024