Chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

10/04/2024 01:29 PM


Qua 15 năm triển khai Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư ngày 7-9-2009 về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20-10-2009 về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị; đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Chỉ thị số 38-CT/TW, gắn với Luật BHYT và các quy định liên quan đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 17 huyện, thị xã, thành phố và 220 xã, phường, trên địa bàn tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; trong đó, tỷ lệ bao phủ BHYT được cấp ủy, chính quyền đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai khám-chữa bệnh vào thứ 7 hàng tuần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thăm khám, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện

Ông Trần Ngọc Tuấn-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-nhìn nhận: Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân về chính sách pháp luật BHYT đã có chuyển biến tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền BHYT đổi mới về nội dung, đa dạng hình thức, thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm... tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, từng bước đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội.

“Nếu năm 2009, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 69,36% dân số thì đến năm 2023 đạt 91% dân số. Công tác khám-chữa bệnh BHYT luôn được quan tâm. Chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế, nhất là tuyến cơ sở từng bước được nâng cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cấp thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID-BHXH số, sử dụng căn cước công dân gắn chip, giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ dễ dàng từ tuyến y tế cơ sở hoặc ứng dụng định danh mức 2 để tra cứu thông tin thẻ BHYT. Nhìn chung, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định”-ông Tuấn cho biết.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân

Người tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở. Các trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo trang-thiết bị, thuốc, vật tư y tế… Người dân có thể yên tâm thăm khám sức khỏe ngay tại tuyến y tế cơ sở. Chị Tai (làng RKhương-Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Tôi có thẻ BHYT nên khi đau ốm là đến trạm y tế xã thăm khám. Trạm có bác sĩ, thuốc men đầy đủ nên tôi rất yên tâm”. Còn bà Nguyễn Thị Ngát (thôn 2, xã Hneng, huyện Đak Đoa) thì cho hay: Nếu bệnh nhẹ thì bà đến trạm y tế xã thăm khám, còn nặng hơn thì lên tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh.

Chị Tai (làng R'Khương-Tleo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) đưa con đến Trạm Y tế xã thăm khám sức khỏe. Ảnh: N.N

Hiện nay, không chỉ các bệnh viện tư mà một số bệnh viện công cũng triển khai khám-chữa bệnh vào thứ bảy và đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia BHYT. Bà Phạm Thị Xuân (tổ 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) nhận xét: Trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không khám-chữa bệnh vào ngày thứ bảy. Nhưng vừa qua, Bệnh viện đã triển khai, tạo điều kiện cho người dân, nhất là những người có thẻ BHYT có thể đến thăm khám. “Tôi thấy khám-chữa bệnh vào thứ bảy ít bệnh nhân hơn ngày thường, đến là được khám ngay, không phải chờ đợi”-bà Xuân nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách BHYT cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Số người tham gia BHYT không bền vững, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chưa có thẻ BHYT còn cao, chất lượng khám-chữa bệnh tuy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người tham gia BHYT. Một bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại chính sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT của Nhà nước, chưa chủ động tham gia BHYT theo hộ gia đình, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt mục tiêu đề ra…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 38-CT/TW và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân, theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh, ngành có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là các chính sách mới về hỗ trợ và quyền lợi được hưởng giúp người dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa nhân văn về chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước để tự nguyện tham gia. Cùng với các sở, ngành, địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi chỉ tiêu bao phủ BHYT năm 2024 và những năm tiếp theo. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các quy định mới. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như người thuộc hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và từng bước mở rộng diện đối tượng hỗ trợ đóng BHYT góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm toàn dân.

Theo Như Nguyện (Baogialai.com.vn)