Học tập và làm theo chỉ dẫn "Lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

11/06/2009 08:13 AM


Năm 1947 là năm đầu tiên toàn quốc kháng chiến chống thực dân pháp. Nhằm xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ "kháng chiến, kiến quốc" Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"...

Năm 1947 là năm đầu tiên toàn quốc kháng chiến chống thực dân pháp. Nhằm xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ "kháng chiến, kiến quốc" Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh X.Y.Z đã viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Đây là một trong những tác phẩm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ đề của tác phẩm đã đề cập đến các vấn đề quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, tổ chức, phương thức, phương pháp lãnh đạo và công tác quần chúng của Đảng trong điều kiện bối cảnh đất nước lúc bấy giờ.


Ra đời trên 60 năm nay, tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" vẫn là một trong những văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Sửa đổi lối làm việc để đẩy mạnh công tác, hiệu quả hơn nữa, làm cho Đảng lớn mạnh không ngừng, đồng thời giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên khắc phục những sai lầm, khuyết điểm: Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan. Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi. Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu rõ những nội dung :
  • Vai trò của lý luận và tổ chức thực tiễn: Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Vai trò lý luận rất to lớn, nó như cái kim chỉ nam, chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Tuy nhiên đã có lý luận rồi phải đem ra thực hành, phải biết tổng kết kinh nghiệm trong công tác “lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông” . Từ đó, Hồ chí Minh đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gắng học, đồng thời học thì phải hành; phải khiêm tốn; chớ kêu ngạo; phải ra sức làm việc thực tế; phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.
  • Vấn đề bản chất và tư cách của Đảng cách mạng: Về bản chất của Đảng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích nào khác. Về tư cách của Đảng chân chính cách mạng: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm cho dân giàu nước mạnh. Cán bộ phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành đi đôi với nhau. Phải có phương pháp tuyên truyền phù hợp từng đối tượng quần chúng, điều tra nghiên cứu kỹ trước khi nói, khi viết, chưa biết rõ chưa nói, chưa viết; chuẩn bị kỹ, sắp đặt cẩn thận, kiểm tra sau khi viết… Đảng phải có phương thức lãnh đạo và kiểm soát cho đúng. Mọi việc gì, công tác nào cũng phải giữ vững tính cách mạng, thực hiện hoạt bát; đúng nguyên tắc và phải xuất phát từ nhân dân, từ dưới cơ sở lên. Đồng thời trên cơ sở điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, trong nước và địa phương. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo; giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống dưới; thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, soát xét lại những gì đã làm, không che giấu khuyết điểm của mình và kiên quyết loại bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài.
  • Vấn đề đạo đức cách mạng: Người cũng đã chỉ rõ: Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do lòng mỗi cán bộ, đảng viên mà ra, được thể hiện gồm 5 điều sau:
    • Nhân: Là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Kiên quyết chống lại những gì phương hại đến Đảng, Nhân dân.
    • Nghĩa: Là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy.
    • Trí: Đầu óc trong sạch, sáng suốt. Biết xem người, biết xét việc. Biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng.
    • Dũng: Là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng.
    • Liêm: Là không tham địa vị; tiền tài, sung sướng. Không tham người tâng bốc mình.
  • Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ của Đảng: Hồ Chí Minh đã xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do vậy, người cán bộ cách mạng phải hội đủ các tiêu chuẩn: Đức và tài, phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, phương pháp tốt, trong đó phẩm chất đạo đức phải là yếu tố hàng đầu. Do vậy, phải huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ; phải biết rõ cán bộ; cân nhắc dùng, phân phối cán bộ cho đúng; thường xuyên kiểm tra, phê bình để giúp họ rút kinh nghiệm.Thực hiện tốt các chính sách đối với cán bộ.
Thiết nghĩ những nội dung trên là phương pháp luận đặc sắc. Nếu chúng ta thường xuyên nghiên cứu, học tập và làm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ chí Minh nhất định sẽ trở thành những người cách mạng trung thành với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Nhất là những ai đang phục vụ trong ngành Bảo hiểm xã hội, tư tưởng, đạo đức ngày càng trong sáng hơn, thái độ phục vụ phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của Ngành./.

Thanh Vân