Vì sao tôi lại chọn nghề Bảo hiểm xã hội ?

03/06/2009 07:58 AM


Có thể nói về tâm lý chung, lúc còn nhỏ nếu chịu ảnh hưởng từ một người nào đó, thì có xu hướng trở nên giống họ khi lớn lên. Điều đó có thể không nhất thiết mang tính phổ biến. Có thể đúng ở người này nhưng lại ngược với người khác.

Có thể nói về tâm lý chung, lúc còn nhỏ nếu chịu ảnh hưởng từ một người nào đó, thì có xu hướng trở nên giống họ khi lớn lên. Điều đó có thể không nhất thiết mang tính phổ biến. Có thể đúng ở người này nhưng lại ngược với người khác.

Khi tâm sự một số viên chức ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), có một người thổ lộ rằng: " Không theo con đường của cha tôi, mục tiêu thời thơ ấu của tôi là trở thành một sỹ quan công an. Trong quá trình trưởng thành tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều và sự hiểu biết tăng lên, ảnh hưởng đó dần dần thoát khỏi trong tâm trí tôi và đi theo một con đường riêng. Tôi là một trong số những người tự quyết định tương lai chí hướng của mình. Chọn vào ngành BHXH. Theo thời gian cha tôi cũng hiểu và ủng hộ con đường của tôi bởi ông biết rằng, nếu thiếu sự tâm huyết và lòng yêu thích thì tôi không thể thành công trong bất kỳ công việc nào, dù có được hỗ trợ tốt nhất của cha tôi. Với tôi nghề BHXH là một công việc lý tưởng và đầy tự hào. Có lẽ làm sỹ quan công an oai vệ hơn. Điều đó theo tôi, chắc không thể có được cảm giác hạnh phúc khi bất ngờ có ai đó gọi điện đến cảm ơn bạn vì bạn đã đem lại cho họ một lợi ích thiết thực mà lợi ích đó đã gắn liền với một khoảng đời của họ. Tôi may mắn có được cảm giác này, với công việc Bảo hiểm xã hội của mình dù âm thầm lặng lẽ nhưng nó mang đầy ý nghĩa nhân văn. Từ lúc người mẹ mang thai, khi con người chào đời gặp phải hoạn nạn, ốm đau cho đến lúc ra đi về cõi vĩnh hằng đều có quan hệ đến việc tác nghiệp của BHXH".

Khi tiếp cận, tìm hiểu ở BHXH Gia Lai, chúng tôi mới thấy rõ nét điều ấy. Đối với người đảm nhận công việc thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ BHXH không những tập trung xét duyệt giải quyết các loại chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà còn dày công tìm hiểu, thẩm định bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ hưu của các trường hợp bị gián đoạn thời gian làm việc do lịch sử chiến tranh để lại hoặc do nhiều lần chuyển đổi công tác. Trong việc thẩm định giải quyết thanh toán chi phí khám chữa bệnh, mặc dù sự gia tăng tần suất khám chữa bệnh của bệnh nhân BHYT nhưng các giám định viên vẫn ngày đêm tận tụy bên phiếu khám chữa bệnh để thẩm định đảm bảo thanh toán đúng các chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.

Không chỉ dừng ở đó, cán bộ, viên chức trong đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo BHXH tỉnh cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “Một cửa” và xây dựng đưa Trang thông tin điện tử Gia Lai vào hoạt động. Từ đó mọi vướng mắc của đơn vị sử dụng lao động và người lao động được đáp ứng kịp thời. Khắc phục được tình trạng yêu cầu bổ sung thêm thủ tục ngoài quy định. Đối tượng đến giao dịch tư vấn rõ về chính sách và quy trình thủ tục giải quyết chế độ BHXH, BHYT, không phải đi lại nhiều lần để làm việc với nhiều phòng nghiệp vụ như trước đây. Công việc tiếp nhận, giải quyết các loại hồ sơ đều thể hiện rõ ràng trên phiếu giao nhận về nội dung cập nhật ngày nhận, số lượng từng loại hồ sơ, ngày trả. Thời gian giải quyết các loại hồ sơ được rút ngắn hơn so với quy định.

Những người làm công việc tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ giải quyết chính sách BHXH, BHYT cảm thấy ấm lòng vì đã góp phần mang đến niềm tin cho người lao động thì các đồng nghiệp đang làm công tác thu BHXH, BHYT cũng muốn ngày càng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Để đảm bảo phương châm “Chi trả đúng kỳ, đủ số, đúng đối tượng và an toàn tiền mặt”, đòi hỏi người làm công tác chi trả nâng cao trách nhiệm trong từng khâu chi trả: Chuẩn bị danh sách chi trả đầy đủ không sai sót họ, tên,địa chỉ, số tiền chế độ được hưởng, chuyển và bảo vệ an toàn tiền mặt đến nơi chi trả, thông báo ngày giờ chi trả; bố trí nơi chi trả, sắp xếp sẵn số tiền được nhận khớp đúng thứ tự danh sách chi trả… tất cả phải khoa học để tiến hành cuộc chi trả nhanh gọn. Những trường hợp già yếu, ốm đau nặng còn phải đến từng nhà chi trả. Đâu chỉ có thế, họ phải thể hiện mình như người thân của các đối tượng hưởng chế độ BHXH, BHYT; mềm mỏng và nhẹ nhàng giải thích những vướng mắc khi họ yêu cầu giải thích. Xây dựng mối quan hệ thường xuyên để quản lý đối tượng hưởng chế độ khi có biến động tăng, giảm tránh trùng chi, vượt chi sẽ ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHXH.

Chia tay những người làm công việc bảo hiểm xã hội, chúng tôi rất tâm đắc với lời tâm sự của một viên chức ở đây: "Tôi thật sự tự hào về con đường mình đã chọn, nếu có ai đó hỏi vì sao tôi lại chọn nghề Bảo hiểm xã hội, tôi sẽ hãnh diện trả lời rằng: Với nghề bảo hiểm xã hội tôi trở nên hạnh phúc nhất vì tôi đã cống hiến hết khả năng của mình góp phần đưa chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT của nhiều người lao động"./.

Trung Lý