Cần nâng cao hiệu quả công tác xử lý sau thanh tra

27/12/2022 03:36 PM


Xác định hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra có tầm quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thanh tra.

Thời gian qua, công tác xử lý sau thanh tra được BHXH tỉnh Gia Lai thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, Thông tư số 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Quyết định 1518/QĐ-BHXH quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam: Khi kết luận thanh tra được ban hành, các cơ quan, đơn vị, cơ quan thanh tra đã chủ động cập nhật các thông tin, số liệu có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, tổ chức tiến hành theo dõi, đôn đốc thực hiện theo quy định, góp phần tăng tỷ lệ hoàn thành thực hiện kết luận thanh tra; có sự phối hợp giữa các chủ thể có liên quan trong tổ chức thực hiện kết luận thanh tra chặt chẽ, hiệu quả.

Tuy nhiên, còn một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra như: Thủ trưởng đơn vị (đối tượng thanh tra) chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị xử lý sau thanh tra, nhất là chưa thấy được đầy đủ trách nhiệm pháp lý, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; một số trường hợp đối tượng không có khả năng tài chính để nộp khắc phục khoản tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT đã được kiến nghị do không còn hoạt động hoặc chấp hành chưa nghiêm việc xử phạt vi phạm… Từ những nguyên nhân này dẫn đến một số kết luận thanh tra chưa được thực hiện hoàn thành, còn kéo dài.

Để kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm chỉnh, cần phải: Kiện toàn hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh tra; gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra với những biện pháp cụ thể như: Việc lập các Biên bản trong quá trình thanh tra phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, có căn cứ để phục vụ trong quá trình kết luận; việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra phải đảm bảo chất lượng cao, căn cứ các quy định của pháp luật; đề xuất, kiến nghị đúng quy định của pháp luật, có tình, có lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Đoàn thanh tra cũng phải xem xét, lắng nghe ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra và của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là ý kiến tham gia của các ngành có chuyên môn sâu; kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng; kiến nghị phải đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi; nội dung kiến nghị phải rõ ràng về đối tượng và thời hạn thực hiện… Có như vậy, đối tượng thanh tra mới tâm phục, khẩu phục; tự giác thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị; khi đó, pháp chế XHCN được bảo đảm thực thi.

Thu Thọ