Một số lưu ý khi ký hợp đồng với người lao động cao tuổi

21/11/2022 01:41 PM


Thời gian qua, có nhiều công ty, doanh nghiệp thuê mướn, sử dụng người lao động cao tuổi hoặc người lao động (NLĐ) đã nghỉ hưu làm việc tại đơn vị. Tuy vậy, khi ký hợp đồng lao động với người lao động này, các công ty, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ các chế độ, quyền lợi của người lao động. Bộ Luật Lao động năm 2019 và Điều 54 Luật BHXH năm 2014 quy định cụ thể như sau:

NLĐ được coi là NLĐ cao tuổi khi đi làm sau thời điểm: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi khi có 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại hoặc sinh sống ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên; nam từ 50 đến 60 tuổi, nữ từ 50 đến 55 tuổi có 15 năm làm việc khai thác than trong hầm lò. Năm 2019, nam đủ 54 tuổi, nữ đủ 49 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (đến năm 2019, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi). Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Việc sử dụng người cao tuổi được quy định tại Bộ luật lao động 2019 như sau: Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể thoả thuận với NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết hợp đồng lao động. Đối với NLĐ cao tuổi chưa hưởng lương hưu khi tham gia HĐLĐ vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo Điều 2 Luật BHXH năm 2014. Đối với NLĐ đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo HĐLĐ mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, NLĐ cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi theo thoả thuận tại HĐLĐ và NSDLĐ không thực hiện đóng BHXH cho đối tượng này.

Như vậy, NSDLĐ có thể thỏa thuận kéo dài HĐLĐ với người cao tuổi hoặc giao kết HĐLĐ mới khi NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe. HĐLĐ mới có thể là hợp đồng xác định thời hạn, không xác định thời hạn, phụ thuộc vào tính chất công việc. Tuy nhiên, NSDLĐ không được sử dụng NLĐ vào các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ cao tuổi. Khi tham gia lao động, căn cứ vào pháp luật về lao động, người cao tuổi được hưởng các quyền lợi dành cho họ như: Khám sức khỏe ít nhất 02 lần một năm (Điều 152 BLLĐ 2019); NLĐ cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian (Điều 166 của Bộ Luật lao động). NSDLĐ có trách nhiệm đảm bảo các quyền lợi này cho NLĐ cao tuổi khi đã thực hiện giao kết HĐLĐ với họ. Đồng thời, căn cứ vào các quy định pháp luật khác, NSDLĐ phải đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với sức khỏe của NLĐ cao tuổi.

Nhiên An