BHYT đối với người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai
21/06/2022 11:53 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với quan điểm: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ…”; mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2029/QH14 ngày ngày 19/11/2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó đề ra mục tiêu 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT.
Nhiều khó khăn về BHYT người đồng bào dân tộc thiểu số
Đầu năm 2021, trước khi có Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II và khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có khoảng 143 nghìn người được hỗ trợ đóng BHYT.
Từ ngày 01/7/2021, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg và quyết định phê duyệt thôn bản đặc biệt khó khăn của Ủy ban Dân tộc, Gia Lai giảm 19 xã khu vực III, 89 xã khu vực II và giảm 87 thôn làng đặc biệt khó khăn so với giai đoạn trước, toàn tỉnh có trên 271 ngàn người bị tác động, thôi hưởng chính sách hỗ trợ đóng BHYT, khiến tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh giảm xuống còn 73%. Tổng số người đồng bào dân tộc thiểu số bị tác động theo Quyết định 861/QĐ-TTg khoảng trên 120 ngàn người. Điều này đã tác động lớn đến diện bao phủ BHYT của tỉnh, tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn nhân khẩu trên địa bàn, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Việc người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở địa bàn thoát khỏi thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II chuyển xếp lên xã khu vực I và xã không xác định khu vực, không thuộc trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ phải tự đóng 100% mức đóng BHYT, người dân gặp nhiều khó khăn không thể tham gia, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình nếu không may bị ốm đau, bệnh tật phải điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Để tạo điều kiện cho người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân bị tác động theo Quyết định 861/QĐ-TTg, Ngành BHXH tỉnh đã tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành phối hợp tuyên truyền chính sách BHYT đến với người dân trên địa bàn, đặc biệt tuyên truyền chính sách hỗ trợ mức đóng theo Nghị quyết 11/2021/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai về hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp người dân hiểu biết về chính sách và tích cực, tự giác tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, xác định cần đa dạng các nguồn thông tin đến với người dân, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tích cực truyền tải chính sách đối với các đối tượng, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ mua thẻ BHYT - Giảm khó khăn cho người dân
Ngày 15/4/2022, Đảng ủy Khối Các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 48-KH/ĐUK vận động việc mua thẻ BHYT năm 2022, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối phát huy truyền thống nhân ái, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho khoảng 15.000 người thuộc hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số trong Khối và trên địa bàn tỉnh thôi hưởng hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc hỗ trợ đóng BHYT đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã có tác động rất thiết thực, vừa giảm bớt khó khăn về tài chính, vừa thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.
Bằng sự chung tay của cộng đồng, riêng trong năm 2021, các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng… đã ủng hộ, hỗ trợ kinh phí mua tặng trên 550 thẻ BHYT cho các đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Tiếp tục tạo cơ hội cho người đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ BHYT
Năm 2022, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 61-CTr/TU ngày 07/05/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90% theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Với việc còn khoảng hơn 35,11% người đồng bào dân tộc thiểu số (tương ứng trên 216,500 người) chưa có thẻ BHYT, đây là một thách thức rất lớn trong việc thực hiện BHYT toàn dân của tỉnh nhà, cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để mọi người dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ người dân tham gia BHYT, kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu tiến tới tự giác tham gia như một trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, tiếp tục duy trì tỷ lệ tham gia BHYT, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt chỉ đạo và tìm ra giải pháp để đảm bảo người dân tham gia BHYT đạt 90% đối với xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao đạt 95% người dân tham gia BHYT theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Để nhân lên tình nhân ái, chia sẻ yêu thương với người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn, rất cần sự chung tay của các tổ chức, các nhà hảo tâm để huy động hỗ trợ kinh phí mua tặng thẻ BHYT, để những người bệnh nghèo có điều kiện được tiếp cận với việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT bằng nhiều hình thức, thông qua tuyên truyền trực quan, các cơ quan truyền thông, qua Cổng Thông tin điện tử, trang Fanpage, Zalo của BHXH tỉnh, các ấn phẩm tuyên truyền của Ngành BHXH; phát huy vai trò của hệ thống đại lý thu, cộng tác viên, tuyên truyền viên của BHXH… để đưa chính sách đến với mọi người dân, đặc biệt người đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tin tưởng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT theo Nghị quyết đề ra, đến năm 2025 đạt 95% dân số tham gia BHYT và tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiêu số tham gia BHYT đạt 98% theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, đảm bảo phát triển bền vững về BHYT đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới BHYT toàn dân.
Trần Văn Lực
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...