Gia Lai sau 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

29/06/2012 07:23 AM


Ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày này hàng năm trở thành Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (01/7). Đây là một chính sách an sinh xã hội to lớn, thể hiện trách nhiệm của Đảng, nhà nước ta đến việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII, Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày này hàng năm trở thành Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (01/7). Đây là một chính sách an sinh xã hội to lớn, thể hiện trách nhiệm của Đảng, nhà nước ta đến việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; đây cũng là sự thể hiện tính ưu việt và nhân văn cao cả của chế độ XHCN chúng ta.

Năm nay là năm thứ 4, cả nước nói chung, ngành y tế và Bảo hiểm xã hội nói riêng tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, thiết thực và hiệu quả để kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam (01/7). Đây cũng là dịp trọng điểm nhất để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống, đặc biệt là việc làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các bên liên quan trong thực hiện pháp luật về BHYT, góp phần hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014.

Nhìn lại chặng đường sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của BHXH Việt Nam; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở ban, ngành liên quan; sự lãnh đạo sâu sát của Đảng bộ cơ sở BHXH cùng với sự đoàn kết, cố gắng vươn lên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của tập thể cán bộ, CCVC ngành BHXH toàn tỉnh; do vậy, toàn ngành đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng qua hàng năm và là một trong những tỉnh có tỉ lệ dân số tham gia BHYT cao nhất toàn quốc. Tính đến 31/11/2011 toàn tỉnh phát hành hơn 927.000 thẻ BHYT đang có giá trị sử dụng, chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh. Công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được cải thiện, nâng cao; Công tác quản lý quỹ, thanh toán chi phí KCB BHYT ngày càng được củng cố và từng bước đi vào nề nếp.

Có thể điểm lại một số thành tựu cụ thể đạt được trong 3 năm như sau:

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật BHYT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Luật BHYT trên địa bàn tỉnh. Từ khi có Luật BHYT có hiệu lực và Ban chấp hành Trung ương Đảng có chỉ thị số 38/CT-TƯ, ngày 07/09/2009 về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”; Ban thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã có chỉ thị số 13/CT-TU, ngày 20/10/2009 về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới và UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành hơn 10 văn bản triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn từ năm 2009 đến năm 2011.

BHXH tỉnh Gia Lai đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 02 hội nghị quán triệt Luật BHYT cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về quy định tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh, giám định, chi trả chi phí khám chữa bệnh, quản lý và sử dụng quỹ BHYT; quy trình về tổ chức công tác giám định chi phí KCB BHYT cho cán bộ công chức ngành BHXH, đội ngũ cán bộ làm giám định viên, kế toán thanh toán viện phí của các cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ sở KCB và BHXH các huyện, thị xã, thành phố triển khai ứng dụng phần mềm thống kê chi phí KCB BHYT 2.0 vào phục vụ công tác thống kê tổng hợp thanh toán chi phí KCB BHYT. Phối hợp với Sở Y tế giao ban với các cơ sở KCB BHYT mỗi năm 02 lần.

BHXH huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế đủ điều kiện KCB BHYT, phân công giám định viên thường trực tại cơ sở KCB để giải quyết những vướng mắc và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT khi bị ốm đau đi KCB BHYT.

Được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Gia Lai cho phép, BHXH tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện thí điểm Đề án cấp thẻ BHYT có ảnh cho đối tượng người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.

BHXH tỉnh Gia lai đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh để triển khai công tác BHYT, như: Thông qua quy chế phối hợp hoạt động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh; triển khai công tác BHYT học đường với Sở giáo dục-Đào tạo; với Sở Lao động TB& XH trong việc lập danh sách đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, người đồng bào DTTS sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo; với Sở Tài chính trong việc chuyển trả kinh phí kịp thời đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định; với UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (cán bộ Dân số gia đình và trẻ em) lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để cấp thẻ BHYT kịp thời; Sở Giáo dục và Đào tạo: Hàng năm trước khai giảng năm học mới cơ quan BHXH phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai công tác thu BHYT đối tượng học sinh năm trước và đề ra phương hướng triển khai công tác thu BHYT nhóm đối tượng là học sinh sinh viên trong năm học mới…

Về thực hiện hợp đồng KCB BHYT: Đến nay, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, TX,TP đã ký hợp đồng KCB BHYT với 29 cơ sở trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện theo quy định. Trong đó: có 05 tuyến tỉnh, 23 tuyến huyện và tương đương, 01 tuyến xã và tương đương. Việc tổ chức ký hợp đồng KCB BHYT thực hiện theo hai phương thức: Ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo phí dịch vụ: 22 Cơ sở KCB; Ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT theo phương thức định suất: 07 Cơ sở KCB. Phấn đấu đến năm 2014, thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT theo phương thức định suất với tất cả các cơ sở KCB theo đúng lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Chi phí KCB BHYT tăng hàng năm, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của người bệnh thu hưởng BHYT và hàng năm đều có kết dự Quỹ BHYT. Trong đó: năm 2009 có 767.767 người điều trị với số tiền thanh toán trên 133.457 triệu đồng; năm 2010 có 849.685 người điều trị, số tiền trên 144.952 triệu đồng; năm 2011 có 880.134 người điều trị, số tiền trên 178.493 triệu đồng.

Các cơ sở KCB BHYT đã từng bước triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT ngày càng chặt chẽ; đúng quy trình theo quy định của BHXH Việt Nam, đặc biệt từ ngày 01/01/2009 bệnh nhân là người nghèo, người DTTS khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT hầu như đều mang theo thẻ BHYT, không còn tình trạng không mang theo thẻ như các năm về trước. Công tác tập hợp và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT từng bước đi vào quy cũ, các sai sót từng bước được loại trừ.

Đội ngũ làm công tác giám định BHYT trong toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác, thực hiện giám định đúng quy trình, thường xuyên bám sát cơ sở KCB, phối hợp tốt với cơ sở KCB trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh cũng như thanh quyết toán với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo Luật BHYT.

Công tác tuyên truyền chính sách BHYT được các Sở, Ban ngành và cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức tốt, đi vào chiều sâu, đa dạng, phong phú với nhiều hình thức như: Pa nô, áp phích, qua sóng phát thanh truyền hình, báo chí, tờ rơi gồm hai thứ tiếng Việt-Bahnah và Việt-Jơrai cấp phát đến từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và niêm yết công khai tại UBND các xã, các cơ sở KCB về một số nội dung liên quan đến Luật BHYT. Mặt khác, BHXH tỉnh Gia Lai đã xây dựng trang thông tin điện tử riêng từ năm 2007 nhằm tuyên tryền các thông tin về Luật BHXH, Luật BHYT và giải đáp các thắc mắc của người tham gia BHXH-BHYT .

Qua những thành tựu đạt được nêu trên, phải khẳng định rằng, đến nay, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống. Điều đó thể hiện rõ đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước ta và phù hợp với xu thế chung của thời đại. Tuy còn có những quy định, có điểm chưa hoàn thiện, cần tiếp tục đề xuất hoàn chỉnh hơn, nhưng về cơ bản rất phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, để bảo vệ người dân “không phải bán nhà cửa và đất đai” để chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

BHYT là một chính sách xã hội rộng lớn. Để triển khai có hiệu quả chính sách này, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, vai trò rất quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và việc nâng cao hiểu biết, tự nguyện hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Thực tế cho thấy, các hoạt động tuyên truyền về BHYT thời gian qua với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân hiểu được những ưu việt của chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, các cơ sở KCB và cơ quan quản lý Quỹ BHYT, giảm bớt những bức xúc trong thực hiện BHYT./.

Đức Lộc