Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga mãi mãi là điểm sáng của tiến bộ nhân loại

06/11/2009 01:14 PM


Cách đây 92 năm, ngày 7-11-1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Ðảng Bolsevic đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động, khai sinh ra Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

V.I.Lenin và quần chúng nhân dân Nga - Ảnh Nhân dân
Cách đây 92 năm, ngày 7-11-1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Ðảng Bolsevic đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động, khai sinh ra Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đập tan ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến tồn tại lâu đời ở nước Nga, đưa giai cấp công nhân, nông dân lên nắm chính quyền, biến ước mơ, nguyện vọng hàng trăm năm của quần chúng lao động về một chế độ xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công và biến lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học thành hiện thực sinh động. Với Cách mạng Tháng Mười, sự nghiệp giải phóng vĩ đại nhất đã mở ra trong lịch sử loài người: giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; đồng thời mở đầu một kỷ nguyên mới gắn mục tiêu phát triển với các mục tiêu cao cả khác là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Mười ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới, đã làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm cả hành tinh. Thế giới không còn là độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mà đã hình thành sự cùng tồn tại của hai chế độ xã hội, sau này trở thành hai hệ thống xã hội đối lập nhau là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản không thể giữ nguyên diện mạo, chính sách, hoạt động... như trước được nữa. Những ưu việt kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần, khoa học - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội đã tạo ra động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh của lao động toàn thế giới, buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh chính sách kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chú trọng các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế, bảo hiểm, thông tin...

Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thành công đã mở rộng ảnh hưởng, vai trò của các vấn đề dân tộc và biến đổi nó từ vấn đề riêng của cuộc đấu tranh chống áp bức dân tộc thành vấn đề chung của công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Ánh sáng Cách mạng Tháng Mười soi rọi con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức và mở ra một triển vọng xán lạn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới thông qua việc gắn kết cuộc đấu tranh của các dân tộc với cuộc cách mạng vô sản; gắn phong trào giải phóng dân tộc vào phong trào đấu tranh của các lực lượng cách mạng thế giới chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian vài ba thập kỷ, bão táp của cách mạng giải phóng dân tộc đã phá sập toàn bộ hệ thống thuộc địa mà chủ nghĩa thực dân đã dày công thiết lập ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh.

Hơn một trăm quốc gia độc lập ra đời, chủ động quyết định con đường phát triển của đất nước, nhiều nước công khai thể hiện như những đồng minh chính trị của CNXH và một số nước khác tuyên bố đi theo định hướng XHCN. Bản đồ chính trị thế giới đã được vẽ lại một cách căn bản, không gian của chủ nghĩa tư bản phải nhường lại nhiều vị trí chiến lược cho CNXH. Bước vận động tích cực này của lịch sử thế kỷ 20 rõ ràng là có động lực trực tiếp và sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười. Ðúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nhận định: "Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế".

Đoàn xe tăng diễu binh tại Quảng Trường Đỏ trong Lễ kỷ niệm, năm 1982-Ảnh RIA Novosti

Ngày nay, mặc dù CNXH vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách lớn, phong trào XHCN thế giới chưa vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng sau sự đổ vỡ chế độ XHCN ở Ðông Âu và Liên Xô, nhưng con đường được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười với ý nghĩa trọng đại của nó vẫn là một xu thế vận động tất yếu của lịch sử nhân loại.

Các đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba và Lào... đã chủ động tổng kết những bài học kinh nghiệm thành công cũng như không thành công trong xây dựng CNXH ở Liên Xô, Ðông Âu và những kinh nghiệm của chính mình, tích cực tìm tòi mô hình về lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH. Nỗ lực khai phá mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các đảng này mang tính đột phá, được thể hiện trước hết trong việc sử dụng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH.

Cùng với quá trình cải cách, đổi mới nêu trên, những năm vừa qua đã xuất hiện những nhân tố mới rất đáng chú ý trong tình hình thế giới. Một trong những nhân tố đó là sự phát triển của trào lưu cánh tả quốc tế, đặc biệt ở khu vực Mỹ la-tinh. Những năm vừa qua là thời kỳ của làn sóng cánh tả mới, hàng loạt lãnh tụ công nhân, cánh tả, cách mạng đã được đông đảo quần chúng lao động và các lực lượng tiến bộ ủng hộ bằng phiếu bầu, trở thành tổng thống ở chín quốc gia, đặc biệt là Hugo Chavez ở Venezuela liên tiếp ba lần đắc cử Tổng thống từ năm 1998 đến nay.

Ngoài ra, hàng loạt hội nghị của các đảng cộng sản, công nhân ở từng khu vực, từng châu lục và giữa các châu lục được tổ chức. Từ năm 1998 đến nay, Ðảng CS Hy Lạp đã đăng cai tổ chức cuộc gặp thường niên tại Thủ đô Athens với tên gọi Cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân quốc tế. Diễn đàn Athens đã trở thành một hình thức quan trọng phối hợp hoạt động, tập hợp lực lượng của phong trào XHCN thế giới sau chiến tranh lạnh. Diễn đàn Sao Paolo (Braxin) sau 15 năm hoạt động, qua 12 kỳ hội nghị với sự tham gia của hơn 140 đảng cộng sản, công nhân và cánh tả từ 46 nước Mỹ la-tinh, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Ðại Dương và Trung Ðông là một thí dụ điển hình về sự phối hợp hoạt động giữa các đảng, góp phần thúc đẩy cao trào cách mạng ngay tại không gian mà một thời được gọi là "sân sau" của đế quốc Mỹ.

Những chuyển động tích cực nêu trên thực sự tạo ra nguồn sinh lực mới cho phong trào XHCN trên thế giới trong giai đoạn hiện nay. Sự tìm tòi, khám phá mô hình phát triển của các nước XHCN, dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ của các đảng, sự sáng tạo các hình thức liên hệ, tập hợp lực lượng mới của các đảng cộng sản và làn sóng mới của trào lưu cánh tả trên thế giới đã và đang trở thành những nhân tố tích cực có sức lôi cuốn và ảnh hưởng rộng lớn, thật sự có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn cho việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong bối cảnh quốc tế mới. Ðồng thời, điều đó là thực tế sinh động chứng tỏ tính đúng đắn và quy luật lịch sử của con đường phát triển được khai mở từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Nhìn trong tầm vóc lịch sử lớn lao đó, thì những mất mát, đổ vỡ, thất bại tạm thời của CNXH ở Ðông Âu, Liên Xô và một số nơi khác, là điều có thể hiểu được; đồng thời, những thành tựu của CNXH trong cải cách, đổi mới cùng với những bước tiến mới của phong trào cộng sản, công nhân, cánh tả trên thế giới hiện nay càng cho thấy rõ hơn con đường Tháng Mười Nga vẫn xác lập phương hướng cho các dân tộc đi đến tương lai. Ðó là con đường của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; con đường của giải phóng và phát triển, tiến tới CNXH.

Xét về bản chất và xu hướng phát triển khách quan của lịch sử trong thế kỷ 20, thắng lợi của Cách mạng Tháng 8-1945 và của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong 79 năm qua, trước hết, đó chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Ðảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển và sáng tạo trong những điều kiện cụ thể - lịch sử của thực tiễn nước ta. Thắng lợi đó có nguồn gốc sâu xa và trực tiếp từ ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Cách mạng Tháng Mười và Cách mạng Tháng Tám cách nhau gần 30 năm, là những sự kiện lịch sử có những đặc điểm riêng biệt, độc đáo, song, cả hai cuộc cách mạng đó đều có một động lực chung, đó là xuất phát từ sự nhận thức sâu sắc về sức mạnh vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những người bị áp bức, bóc lột được thức tỉnh, tập hợp và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của một Ðảng kiểu mới - Ðảng Mác-xít - Lê-nin-nít.

Bác Hồ với nhân dân Nga - Ảnh Vietnamnet

Sức mạnh đó hoàn toàn có thể làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột và tự mình xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định tầm vóc lịch sử vĩ đại đó của Cách mạng Tháng Mười và ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp của những giá trị đó đối với Cách mạng Việt Nam, Người đặc biệt nhấn mạnh: "Chủ nghĩa Lê-nin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Ðảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi".

Sau 92 năm từ Cách mạng Tháng Mười đến nay, bất chấp thời gian và mọi diễn biến, sự hiện, với biết bao thăng trầm, biến động to lớn, phức tạp, cả thành tựu vĩ đại và thất bại đau đớn, đã minh chứng cho sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, sáng suốt của Lê-nin về những quy luật đối với cách mạng, đó là, cách mạng vô sản giành được chính quyền mới chỉ là bắt đầu, giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền càng khó hơn nhiều. Nếu cách mạng không xây dựng thành công một nền kinh tế mới với năng suất lao động cao, có chất lượng và hiệu quả thể hiện bản chất ưu việt của CNXH thì những thành quả, những thắng lợi mà cách mạng đã giành được khó có thể giữ vững và khả năng phục hồi chế độ cũ rất có thể xảy ra.

Ðảng ta đã nhận thức rõ bài học đó và, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, từ những thất bại nặng nề của CNXH ở Liên Xô và Ðông Âu những năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện thành công hai nhiệm vụ cực kỳ to lớn, đó là giành chính quyền và giữ chính quyền. Ðảng đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 20 năm qua.

Với ý nghĩa đó, sau 92 năm, Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại mãi mãi là điểm sáng của tiến bộ nhân lọai, luôn khẳng định chân lí và ý nghĩa lịch sử to lớn của nó. Không chỉ là biểu tượng sáng ngời về khát vọng và sức mạnh của CNXH, mà nhiều bài học lớn, bổ ích từ Cách mạng XHCN Tháng Mười vẫn còn nguyên giá trị trong thực tiễn đổi mới và xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Văn Nhân