Vướng mắc trong xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN

28/11/2024 02:21 PM


Những năm qua, Ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt quyết liệt trong việc thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT, xử phạt vi phạm hành chính và lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với các hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Ngày 22/01/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại BHXH tỉnh Gia Lai

Triển khai hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Gia Lai đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện khởi kiện đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN ra tòa án dân sự; xử phạt vi phạm hành chính; cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh chủ động kiểm tra, phát hiện đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT, lập hồ sơ làm căn cứ xử lý vi phạm. Tính đến tháng 11/2024 BHXH tỉnh Gia Lai đã thực hiện gửi 02 hồ sơ kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như một số quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN chưa cụ thể dẫn đến còn có cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn như việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “trốn đóng” đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng trên thực tế cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chỉ có thể xác định là đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN quy định… mà không đủ khả năng để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng, dẫn đến ít trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng, lý do đơn vị đưa ra là khó khăn trong sản xuất kinh doanh (do không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác). Do vậy, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác.

Ngoài ra, việc khởi kiện của tổ chức công đoàn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quy định về ủy quyền của người lao động, thiếu nhân lực để đảm nhận công tác khởi kiện và thực tế triển khai của tổ chức công đoàn.

Chính vì vậy, cơ quan BHXH gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở, tiền đề để xử lý hình sự về tội trốn đóng của các đơn vị sử dụng vi phạm quy định.

SK